Trước hết
xin được giải thích rằng A0 là mã hiệu thời chiến của Khối các
lớp toán đặc biệt thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là khối trung
học phổ thông Chuyên Toán – Tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc
Đại học Quốc gia Hà Nội. Thấm thoát đã bốn chục năm trôi qua kể từ ngày ấy
nhưng tên gọi thân thương A0 vẫn được những cựu học sinh chuyên
toán chúng tôi dùng để nói về lớp cũ của mình. Thời đó, để giữ bí mật, các
khoa, các lớp sinh viên trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đều có mã số
riêng và trong hệ thống phiên hiệu chung của Nhà trường, cùng với các ký
hiệu A1, A2, A3, A4,...chỉ các
lớp đại học toán từ năm thứ nhất đến năm thứ tư...thì lớp toán đặc biệt cũng
được mã hoá là A0 (đây là một niềm kiêu hãnh nho nhỏ rất học trò
của các học sinh lớp toán đặc biệt cấp phổ thông cho dù chỉ số 0 thật khiêm
tốn!). Khi có thêm lớp toán đặc biệt khoá 2 thì hai lớp 9 và 10 có các mã số
A09 và A010 hay thường gọi tắt là A9 và A10
(vì đương nhiên không thể hiểu lầm là các lớp đại học toán năm thứ 9 và năm
thứ 10 được!).
Lớp toán
đặc biệt khoá 2 (1966 – 1968) của chúng tôi nhập trường vào cuối năm 1966,
khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ mở rộng khắp miền Bắc.
Chúng tôi chỉ tập trung một buổi ở cơ sở 19 Lê Thánh Tông Hà Nội để làm thủ
tục rồi thầy và trò vội vã lên tầu hoả đi Thái Nguyên, sau đó lại tiếp tục
hành quân suốt đêm, lúc cuốc bộ, lúc đi xe (vì cả lớp hơn 60 người phải thay
nhau ngồi một chiếc xe U – oát) vượt hơn 30 cây số đường rừng núi để đến địa
điểm sơ tán của nhà trường ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ.
Ngay sau
khi phân tán về ở nhờ các nhà dân trong xóm và ổn định tổ chức lớp, chúng
tôi khẩn trương phân công nhau vào rừng đốn gỗ, chặt nứa để làm nhà, bàn ghế
và đào hầm hào tránh bom, dựng lên một lớp học thời chiến giữa núi rừng
trùng điệp, nơi trước đây đã từng là một căn cứ địa huyền thoại của cách
mạng nước ta. Nhà nước và nhà trường đã ưu tiên dành các điều kiện tốt nhất
có thể cho học sinh A0. Chúng tôi được cấp học bổng toàn phần,
được sử dụng thư viện và các phương tiện học tập khác. Tuy chỉ đơn sơ, giản
dị có vậy nhưng đối với chúng tôi thời đó, được học tập ở lớp toán đặc biệt
A0 là một ước mơ mà phải phấn đấu cật lực mới đạt được.
Ngoài thầy
Phạm Tấn Dương là giáo viên phổ thông giỏi được nhà trường mời về làm chủ
nhiệm lớp, các thầy cô giáo khác dạy lớp tôi đều là các giảng viên đại học
có uy tín và trình độ chuyên môn cao của khoa Toán như các thầy Hoàng Tuỵ,
Phan Đức Chính, Nguyễn Thừa Hợp, Lê Minh Khanh, Nguyễn Duy Tiến, Nguyễn Xuân
My,... cũng như từ các khoa Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử và các bộ môn Ngoại ngữ,
Thể dục... GS. Hiệu trưởng Nguỵ Như Công Tum, GS. Hiệu phó Lê Văn Thiêm và
nhiều nhà khoa học danh tiếng khác cũng thường xuyên đến thăm, nói chuyện
khoa học và bồi dưỡng ngoại khoá cho lớp.
Ngày nay,
khối trung học phổ thông Chuyên Toán – Tin đã có một đội ngũ giáo viên
chuyên toán giỏi và giầu kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng, rèn
luyện kỹ năng giải các bài tập khó trình độ phổ thông, mang lại những thành
tích thuyết phục và đáng nể trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các
kỳ thi Olympic quốc tế. Nhưng ngẫm lại thì việc ngày trước chúng tôi được
các nhà toán học hàng đầu trực tiếp truyền thụ các ý tưởng, phương pháp của
toán học hiện đại cùng niềm say mê khoa học cũng đáng quý lắm chứ, vì nó đem
lại những hiệu quả lâu dài trong quá trình hình thành nhãn quan và hoài bão
khoa học cho các tài năng toán học tương lai. Có lẽ đây cũng là một kinh
nghiệm cần nghiên cứu và vận dụng một cách phù hợp.
Thành tích
thi học sinh giỏi quốc gia của lớp A0 chúng tôi cũng không tồi.
Trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc năm 1968, lớp chúng tôi đã
giành phần lớn giải thưởng, bao gồm hầu hết các giải cao. Sau khi tốt nghiệp
lớp A0, 2/3 học sinh lớp tôi được chọn gửi đi học ở Liên Xô và
các nước Đông Âu, số còn lại tiếp tục học đại học tại khoa Toán của trường
Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều bạn sau đó nhập ngũ tham gia chiến đấu
ở các chiến trường rồi lại trở về tiếp tục học tập ở nhiều trường đại học
khác nhau.
Tiếng thơm
của lớp Ao còn mang lại cho tôi và các bạn Diệp, Trà, Ngoạn, Trản, Cậy một
cơ hội quý giá: chúng tôi được giới thiệu vào học tại khoa Toán – Cơ trường
đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp, một trung tâm khoa học hàng
đầu thế giới, toạ lạc trong toà lâu đài cao ngất trời trên đồi Lênin. Đó quả
là một điều mà trước đó tôi chỉ dám nghĩ trong mơ. Bây giờ nhìn lại quãng
đời đã trải qua tôi có thể nói rằng những năm tháng sống và học tập dưới mái
nhà A0 đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng ảnh
hưởng quan trọng đối với con đường phấn đấu vươn lên trong khoa học
của tôi sau này.
Tháng 11
năm nay khối trung học phổ thông Chuyên Toán – Tin kỷ niệm 40 năm ngày thành
lập, còn lớp toán đặc biệt khoá 2 A09 của chúng tôi vừa tròn 39
tuổi. Tất cả chúng tôi đều đã ngoại ngũ tuần, có người đã trở thành ông, bà
nội ngoại và chúng tôi rất tự hào là đều đã thành đạt trong các lĩnh vực
hoạt động và cương vị công tác khác nhau, từ giảng dạy, nghiên cứu trong các
trường đại học, viện nghiên cứu đến kinh doanh, quản lý trong các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt trong đó không ít bạn đã ở lại cùng
các thầy cô giáo cũ tiếp tục góp phần xây dựng khối phổ thông Chuyên Toán –
Tin nói riêng cũng như trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc
gia Hà Nội nói chung. Trong số hơn 60 cựu học sinh lớp A09 ngày
đó quá nửa đã có học vị tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, đã được phong phó giáo
sư, giáo sư hoặc đảm nhận các trọng trách trong các cơ quan giáo dục, khoa
học, quản lý và kinh doanh trên khắp đất nước và cả ở nước ngoài. Nói chung,
khối trung học phổ thông Chuyên Toán – Tin đã đào tạo 40 khoá với hàng ngàn
học sinh năng khiếu toán, tin học, với quy mô ngày một tăng và chất lượng,
thành tích ngày càng cao, càng nhiều. Suy ngẫm một cách nghiêm túc, tôi tự
hỏi liệu còn có ngôi trường nào ở nước ta có đóng góp to lớn và có hiệu quả
cho sự nghiệp phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng toán học, tin học trẻ
như thế nữa không? Và trên cơ sở hiểu biết của mình, tôi tin rằng thậm chí
trên thế giới những ngôi trường như vậy cũng rất hiếm hoi. Điều đó
chứng tỏ một sự thật rất đáng tự hào rằng khối trung học phổ thông Chuyên
Toán – Tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà
Nội đã trở thành một vườn ươm tài năng toán, tin học trẻ được Nhà nước, xã
hội và nhân dân tin cậy, xứng đánh với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động
vừa được Đảng và Nhà nước phong tặng.
Nhân dịp
đáng ghi nhớ này, với tư cách là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng
với tư cách một học sinh cũ – tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và bầy tỏ lòng
biết ơn sâu sắc, đồng thời xin chia sẻ niềm vui và tự hào với các thế hệ
thầy cô giáo và học sinh của Khối.
Hà Nội
ngày 19/10/2005
Đào
Trọng Thi
thidt@vnu.edu.vn
|