Vào một ngày
tháng 9 năm 1965 tôi đã may mắn nhận được giấy gọi vào học Lớp Chuyên Toán
khóa 1, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTH HN), do nhà Toán học, Giáo sư,
Phó Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm ký. Từ một vùng quê của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam
Định, tôi đã về Hà Nội tập trung cùng các bạn mình thành một lớp gồm 38 học
sinh và đã đi ngay lên khu sơ tán của trường ĐHTH HN tại huyện Đại Từ, tỉnh
Bắc Thái (ký hiệu lúc sơ tán là Ao). Chúng tôi được triệu tập từ
nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc, trong đó có cả những học sinh miền Nam
theo gia đình tập kết ra Bắc. Các bạn học cùng lớp Chuyên Toán với tôi nay đã
trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý có uy tín, hoặc nhà kinh
doanh thành đạt. Không ít người đã trực tiếp cầm súng ra trận chống Mỹ cứu
nước và có người đã hy sinh.
Về lịch sử
hình thành của Khối chuyên Toán (ĐHTH HN), tôi được nghe kể lại rằng: ý tưởng
đầu tiên về việc mở Lớp chuyên toán này thuộc về GS. Hoàng Tụy, nguyên là Chủ
nhiệm khoa Toán, Trường ĐHTH HN, trên cơ sở tham khảo cách làm của Liên Xô
(cũ) và được sự ủng hộ mạnh mẽ của cố GS. Toán học Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu
trưởng; của cố GS. Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của cố GS. Tạ Quang Bửu, Bộ
trưởng Bộ ĐH và THCN và của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà khi còn sống
luôn luôn quan tâm đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh giỏi. Lúc
đầu, lớp này được gọi là “Lớp Toán đặc biệt”, sau được đổi thành “Lớp Toán dự
bị”. (Nếu điều tôi nghe được trên đây có điều gì chưa thật chuẩn xác, mong
bạn đọc thông cảm cho tôi, một học trò). Việc ra đời của Lớp chuyên Toán đầu
tiên này vào năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của chúng
ta bước sang giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, càng
chứng tỏ thêm sự quan tâm to lớn đến giáo dục của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ
kính yêu. Hai năm sau khi ra đời của Lớp chuyên Toán, trường ĐHTH HN, các lớp
chuyên Toán tại Khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, và Khoa Toán, trường ĐH
Sư phạm Vinh và một số nơi khác ở Hà Nội và địa phương đã ra đời, để từng
bước sau 40 năm có được một hệ thống các trường, lớp chuyên ở bậc THPT, trong
cả nước không chỉ cho
môn toán mà
nhiều môn học khác. Cũng cần phải nói thêm rằng, mô hình và thiết kế lớp
chuyên Toán (Lớp Toán đặc biệt) đầu tiên, mặc dù còn rất bỡ ngỡ, nhưng cũng
rất khoa học và chủ trương đào tạo học sinh khá toàn diện. Đương nhiên các
môn toán như đại số, hình học, lượng giác, lôgic toán, toán học hữu hạn,…
được dậy rất bài bản và nâng cao, chuyên sâu hơn so với mức phổ thông bởi các
giáo sư, các nhà toán học trẻ tài ba lúc đó như: Hoàng Tụy, Phan Đức Chính
(người nhiều năm dẫn các đoàn đi thi Olympic toán quốc tế), Hoàng Hữu Đường
(đã mất), Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn, Lê Minh Khanh, Nguyễn Viết Phú,
Nguyễn Duy Tiến, Đặng Hữu Đạo,… nhưng các môn học khác như lý, hóa, sinh,
văn, sử, địa, triết học, ngoại ngữ,… cũng được các thày cô giáo từ các khoa
của trường ĐHTH HN lúc đó ở khu sơ tán huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, sang dậy.
Vì thế, không chỉ các môn toán mà kể cả các môn khác toán cũng được dậy dỗ
rất toàn diện, nghiêm túc và sâu sắc bởi các chuyên gia có uy tín của trường
ĐHTH HN. Riêng kỹ năng thi cử về toán thì ngày ấy chúng tôi chưa được tôi
luyện tốt như các đội tuyển Olympic toán quốc gia và quốc tế sau này.
Người thầy
Chủ nhiệm Lớp Chuyên Toán khóa 1 của chúng tôi ngày ấy là thầy Phạm Văn Điều
(đã mất), nguyên là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, một con người rất
tâm huyết và tận tụy với học trò. Khối phổ thông chuyên Toán - Tin có được
thành tựu xuất sắc sau 40 năm phát triển là nhờ các bậc thầy tiền bối nói
trên và nhờ sự tiếp nối của nhiều thế hệ các nhà quản lý của trường ĐHTH HN,
của các Ban Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, các nguyên Chủ nhiệm Khoa GS.
TS. Phan Văn Hạp, GS. TS. Hoàng Hữu Như, GS. TSKH. Nguyễn Duy Tiến, PGS. TS.
Phạm Trọng Quát, GS. TS. Đặng Huy Ruận và Chủ nhiệm Khoa hiện nay GS. TSKH.
Phạm Kỳ Anh, của các Ban Chủ nhiệm Khối, các thầy cô giáo, cán bộ công
nhân viên và học sinh. Đó là TS. Phạm Tấn Dương, PGS. TS. Lê Đình Thịnh, GS.
TSKH. Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, ĐHQG HN, PGS. TSKH. Đặng
Hùng Thắng (cả hai giáo sư này đã nhiều lần dẫn các đoàn học sinh đi thi
Olympic toán quốc tế), TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm Khối; các Phó Chủ nhiệm
Khối: ThS. Phạm Văn Hùng và Lê Đình Vinh; các nguyên Phó Chủ nhiệm Khối: Đặng
Thanh Hoa, ThS. Nguyễn Văn Xoa và Phạm Đăng Long; các thầy như TS. Nguyễn
Xuân My, Phạm Quang Đức, Phan Cung Đức, ThS. Đỗ Thanh Sơn (học sinh chuyên
toán khóa 1), cùng nhiều thầy cô giáo toán và các môn học khác đã có đóng góp
quan trọng cho sự phát triển của Khối.
Thấm thoắt
thế mà đã 40 năm trôi qua (1965-2005), kể từ ngày thành lập Lớp chuyên Toán
đầu tiên (khóa 1) tại Khoa Toán, trường ĐHTH HN, nay là Khối chuyên Toán -
Tin thuộc Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQG HN. Cũng có thể xem
đây là cái mốc đầu tiên của hệ thống các trường, lớp chuyên về toán, tin, lý,
hóa, sinh, ngoại ngữ, văn,… ở bậc THPT trong cả nước, từ Trung ương đến các
địa phương, và nói riêng là các khối chuyên toán - tin, lý, hóa, sinh tại
ĐHQG HN. Chủ trương sáng suốt và tầm nhìn xa này của Đảng và Nhà nước, của Bộ
Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc đó (nay là Bộ GD&ĐT),
của trường ĐHTH HN và khoa Toán của Trường, là tiền đề tạo ra một nguồn nhân
lực chuyên sâu có chất lượng cao với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và các
nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý, doanh nhân,… năng động, tài
năng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và CNH, HĐH
đất nước. Việc ra đời hệ thống các trường, lớp chuyên này cũng góp phần trực
tiếp nâng cao chất lượng và thành tích của các kỳ thi học sinh giỏi
quốc gia (đã được khởi xướng từ năm 1961), của các đoàn học
sinh giỏi Việt Nam tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế từ năm 1974
cho đến nay về toán, tin, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ,… Thật đáng tự hào với
bảng thành tích đầy ấn tượng của các đoàn học sinh Việt Nam đi dự thi Olympic
quốc tế ở các môn khác nhau. Riêng các đoàn Olympic Toán học Việt Nam đi dự
thi quốc tế từ năm 1974 cho đến nay luôn được xếp (mặc dù không chính thức)
vào tốp 10 (top ten) nước mạnh nhất trên thế giới. Đặc biệt là năm 2004, tròn
30 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế, ta gửi 6 em
đi dự thi tại Hy Lạp và đã giành được 4 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc.
Kỷ lục này của đoàn Việt Nam chỉ sau các đoàn Trung Quốc, Nga và Mỹ. Cũng cần
phải nói thêm rằng, Khối chuyên Toán - Tin và các khối chuyên khác của Trường
ĐHKHTN, ĐHQG HN, là một trong những cơ sở đào tạo cung cấp nhiều học sinh
tham gia các đoàn của Việt Nam đi thi Olympic quốc tế và giành được nhiều huy
chương vàng, bạc, đồng. Trong số các học sinh của Khối chuyên Toán-Tin, ĐHQG
HN, giành được Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế có TSKH. Ngô Bảo Châu
(sinh năm 1972), GS. ĐH Paris Sud, người được trao Giải thưởng Toán học Clay
2004 cùng với GS. Pháp G. Laumon, vừa được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước
phong đặc cách GS của Việt Nam năm 2005. Với truyền thống và thành tích xuất
sắc của 40 năm trưởng thành và phát triển, trong năm 2005 Khối chuyên Toán -
Tin đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3 và danh hiệu Đơn vị Anh
hùng thời kỳ đổi mới. Các thầy, cô giáo và học sinh chuyên toán từ Trung ương
đến các địa phương cũng là những bạn đọc và cộng tác viên rất nhiệt tình và
đắc lực của Tạp chí “Toán học và Tuổi trẻ” (số đầu tiên ra đời vào tháng 10
năm 1964).
Trong 10 năm
gần đây, khi tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo,
tôi đã trực tiếp cùng các đoàn khách quốc tế và ASEAN về thăm Khối Phổ thông
chuyên Toán - Tin và các trường, lớp chuyên ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các
địa phương khác và có dịp được trực tiếp nghe các ý kiến đánh giá rất tốt đẹp
về chất lượng cao, về trình độ quốc tế của hệ thống đào tạo tài năng này của
chúng ta. Một số nước ASEAN, Trung Đông và Châu Phi đã, đang và sẽ đến thăm,
tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam, gửi giáo viên, học sinh, sinh viên sang
ta học tập, nhận tài liệu, sách giáo khoa và mời giáo sư, giáo viên của ta
sang giảng dạy, làm chuyên gia. Đây là những tín hiệu tốt, nhưng để có
thể đón nhận được những cơ hội mới, bản thân chúng ta cũng cần phải có sự
chuẩn bị khẩn trương và nghiêm túc về trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp, và sử
dụng CNTT. Để có thể giảng dậy tốt, cần phải dịch và biên soạn được sách giáo
khoa hiện đại bằng tiếng Anh, Pháp, cần phải dịch các tuyển tập bài thi và
lời giải của các kỳ thi Olympic quốc gia, quốc tế, của Tạp chí “Toán học và
Tuổi trẻ” gần nửa thế kỷ qua ra tiếng Anh, tiếng Pháp làm tài liệu tham khảo
và để làm marketing.
Những việc
làm trên đây cũng là để thiết thực góp phần chuẩn bị làm tốt vai trò nước chủ
nhà Việt Nam đăng cai tổ chức Olympic Vật lý Châu Á (APhO5) 2004, Olympic
Toán quốc tế (IMO) 2007, Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) 2008 và nhiều cuộc thi
quốc tế và khu vực khác.
Gần đây, khi
trực tiếp chỉ đạo ĐHQG HN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan
khác xây dựng và triển khai Dự án phát triển nhân tài KHCN, lãnh đạo, quản lý
và kinh doanh, PGS. TS. Trần Đình Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung
ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và TS. Phạm Gia Khiêm, Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng đã đánh giá rất cao bề dày
thành tích và kinh nghiệm đào tạo của hệ thống các trường, lớp chuyên trong
cả nước. Chủ trì Tiểu ban xây dựng Dự án này là GS. TSKH. Đào Trọng Thi, Uỷ
viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG HN, nguyên là học sinh chuyên Toán khóa
2, trường ĐHTH HN.
Khi ôn lại
chặng đường 40 năm của Khối chuyên Toán - Tin, trường ĐHKHTN, ĐHQG HN, chúng
ta tự hào và rút ra bài học kinh nghiệm cho việc đào tạo chất lượng cao ở bậc
THPT, ĐH&SĐH trong nhiều lĩnh vực, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cạnh
tranh mạnh mẽ hiện nay.
(*)
GS. TSKH. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm Bộ môn Toán Sinh, Khoa Toán-Cơ-Tin
học, trường ĐHKHTN, ĐHQG HN.
Trần Văn Nhung
tvnhung@moet.edu.vn
|