BỨC ẢNH LỊCH SỬ

 

Giáo sư Lê Văn Thiêm là thầy chủ nhiệm đầu tiên của Khoa ta. Các bức ảnh về thầy nay trở thành những tư liệu quí, được cán bộ trong khoa nâng niu, giữ gìn. Đặc biệt, có một bức thầy chụp chung với một số người, được đăng nhiều lần trong các ấn phẩm của khoa Toán – Cơ – Tin học. Tuy nhiên, nhừng lời “đề ảnh” thường chung chung hoặc ngắn gọn. Tôi và nhiều người khác không phân biệt được những ai trong ảnh, thường đưa ra nhiều thắc mắc.

Tôi đi hỏi các thầy cô trong hội Cựu giáo chức và dần dần thu nhận được những thông tin thú vị!

 

Theo chiều ngược kim đồng hồ, người đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Ngự, tiếp theo là thầy Nguyễn Đống, rồi đến thầy Lê Văn Thiêm. Hàng đứng, lần lượt là các thầy Hoàng Hữu Như, Phan Văn Chương và Đinh Nho Chương. Người cuối cùng, trong tư thế ngồi là thầy Đào Huy Bích. Các Thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Hữu Như và Phan Văn Chương đều đã mất.

Theo thầy Phan Văn Hạp, ảnh này chụp tại phòng 35, tầng 14, khu B, ký túc xá khoa Toán – Cơ, Đại học Tổng Hợp Lomonoxop, Matxcova, chính là phòng riêng (dành cho sinh viên năm cuối hoặc nghiên cứu sinh) của thầy. Thầy Hạp là người cầm máy nên không có mặt trong ảnh.

“Đó là máy Gorki 4, mua mất 70 rúp ngang một tháng lương nghiên cứu sinh, nhưng may, nhờ nó mà ta có một bức ảnh thú v.” - Thầy Hạp vui vẻ nói.

Trừ thầy Phan Văn Chương và Đinh Nho Chương, còn lại 5 thầy đều là người của khoa ta và lúc bấy giờ là chuyển tiếp sinh từ khóa 1, ngành Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các thầy kết thúc khóa học 1956 -1959, được cử sang Liên Xô hoàn thiện bằng Đại học với thời hạn là 3 năm (1960 – 1962) (có một năm học tiếng Nga).

Ảnh này chụp năm 1961. Đấy là dịp Giáo sư Lê Văn Thiêm sang Maxcova dự Hội nghị đại điện các nước tại Viện liên hiệp nguyên tử Đupna. Thầy Thiêm vốn là trưởng ban Toán – Lý của Ủy ban Khoa học Kỹ Thuật nhà nước, là đại diện Việt Nam tại Viện liên hiệp Đupna, lúc bấy giờ là viện của các nước xã hội chủ nghĩa. Chuyên nghiên cứu về hạt nhân và các vấn đề liên quan đặt tại Đupna- một thành phố khoa học cách Matxcơva khoảng 100 km.

Từ bức ảnh và xuất xứ của nó, chúng ta cảm nhận được sự quan tâm và khích lệ lớn lao của một nhà lãnh đạo, một người thầy tới sự nghiệp xây dựng và vun trồng cho nền Toán học Việt Nam.