NHỚ ANH NGUYỄN HỮU CÔNG

 

 

Phạm Kỳ Anh

Khoa Toán - Cơ - Tin học

 

Chẳng có gì cao quý trong việc vượt lên trên người khác, sự cao quý thực sự là vượt lên chính con người cũ của ta.”

Ernest Hemingway

 

Mùa thu năm 1973, Bộ môn Phương pháp tính được bổ sung hai cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp Khoa Toán-Cơ của Trường ĐHTH Minsk, Belorussia về, đó là các anh Nguyễn Hữu Công và Trần Hữu Phúc. Lúc này ở Khoa Toán-Cơ, phong trào thực hiện chỉ thị 222-TTG, đưa Toán học vào phục vụ chiến đấu và sản xuất lên rất cao. Sinh viên năm cuối và cán bộ trẻ Bộ môn Phương pháp tính được các cán bộ lâu năm, như thầy Nguyễn Công Thúy, thầy Nguyễn Quý Hỷ, v.v… dẫn đi thực tập tại một số nhà máy, viện nghiên cứu, vv... thầy Hỷ lúc đó vừa bảo vệ luận án PTS ở Ba Lan về nước, đang rất say sưa với lý thuyết đổi mới (renewal theory), đã soạn hẳn một bài thuyết trình công phu về lý thuyết này. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Công điển trai, da ngăm ngăm, để hàng ria con kiến, áo sơ mi trắng bỏ trong quần sáng màu, trông như hoàng tử Ả Rập, đi “tháp tùng” thầy Hỷ tại những buổi tuyên truyền về lý thuyết đổi mới. Anh Công nhập tâm bài diễn thuyết đến mức, sau lần đi thực tế ở Tổng cục Đường sắt về, đã “phê bình” thầy Hỷ: “Hôm nay anh nói thiếu phần về bò giống Cu Ba”…

Trong năm học 1978-1979, anh Công được phân công làm Đại đội trưởng Đại đội tự vệ của Khoa tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu. Các chiến sĩ tự vệ của Khoa đã đóng góp hàng ngàn công cho phòng tuyến bảo vệ Thủ đô trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

Vào những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế. Mọi nhu yếu phẩm đều được phân phối theo tem phiếu. Trong một lần mua gạo ở cửa hàng lương thực phố Lò Đúc, anh Công đã bị kẻ gian lấy cắp cả gạo, lẫn sổ mua gạo, thật là họa vô đơn chí!. Chỉ những ai sống trong thời kỳ bao cấp lúc bấy giờ mới thấm thía câu nói “… trông như vừa mất sổ gạo…”

Lúc đó ở Hà Nội có cuộc “chiến tranh” điện, nước. Điện áp thành phố rất yếu, nước thì chảy nhỏ giọt. Mọi người đua nhau sắm súp von tơ (survoltage) để nâng điện áp nhà mình lên, và như vậy thì làm cho điện nhà hàng xóm tắt ngóm. Chính trong giai đoạn khó khăn này, anh Công đã học được một nghề khá “hot” là quấn súp von tơ. Ngoài ra, cùng với một số giáo viên trong Khoa, anh cũng tham gia sản xuất sơn, nước đá, phích  xốp, v.v… để cải thiện đời sống.

Từ năm 1982 đến 1984, anh Công được cử đi chuyên gia Algeria. Chủ trương của nhà nước cử cán bộ Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, v.v… đi chuyên gia Châu Phi để “cứu nước, cứu nhà” đã giúp cho nhiều nhà khoa học dành dụm được một khoản tiền, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và đóng góp cho cơ quan chủ quản. Sau chuyến đi này, anh Công đã có tiền sửa lại căn hộ ở Lò Đúc, mua tivi, xe máy. Anh là người sở hữu chiếc xe máy DD đỏ thứ 2 trong Khoa, sau chiếc xe của anh Trần Văn Nhung vừa đi học bổng Humboldt về. Anh Công cũng là một trong số rất ít giáo viên trong khu tập thể Lò Đúc hồi đó có tivi màu…

Từ năm 1990 đến năm 1994, anh Công may mắn được làm NCS ở Trường ĐHTH Amsterdam, Hà Lan trong khuôn khổ đề tài hợp tác Việt Nam-Hà Lan VH25. Tập thể hướng dẫn của anh Công gồm giáo sư P.J. Vander Houwen, chuyên gia về giải số phương trình vi phân và tiến sĩ B.P. Sommeijer, chuyên gia về lập trình. Khoa Toán-Tin, Trường ĐHTH Amsterdam, Hà Lan, do Giáo sư Eduardus M. de Jager làm Trưởng Khoa, là đối tác của Khoa Toán-Cơ, Trường ĐHTH Hà Nội. GS Hoàng Hữu Như và Giáo sư J. Th. Ruinenberg là hai đồng chủ trì đề tài VH25. Sau này, chính GS Ruinenberg đã hướng dẫn thành công NCS Tăng Đặc Công, được Khoa cử đi học theo thỏa thuận của đề tài này. Hai anh Công, một già, một trẻ đều bảo vệ xuất sắc luận án TS tại Trường ĐHTH Amsterdam.

Những năm tháng học tập ở Hà Lan là quãng thời gian phấn đấu không mệt mỏi của anh Công. Mỗi sáng, anh dạy rất sớm nấu ăn rồi chuẩn bị bữa trưa mang đến Viện nghiên cứu Toán học và Tin học của Hà Lan CWI (Centrum Wiskunde & Informatica). Tầm mười, mười giờ rưỡi anh mới về nhà nấu ăn và tiếp tục làm việc cho đến khuya. Mùa hè anh thường đạp xe, còn mùa đông lạnh lẽo, anh chọn đi xe bus đến Viện. Từ căn hộ thuộc khu Dallwijk, Amsterdam được nhà trường thuê cho NCS nước ngoài ở, anh phải đi bộ khoảng hai km qua một đoạn đường vắng mới đến được bến xe.

Từ chỗ không được đào tạo bài bản về tiếng Anh, toán học tính toán, ngôn ngữ lập trình Fortran, máy tính song song, v.v…, với trí thông minh thiên bẩm lại được làm việc trong môi trường học thuật rất thuận lợi ở CWI, anh Công đã nhanh chóng nắm bắt được nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực giải số bài toán Cauchy cho phương trình vi phân thường, đặc biệt là giải số trên máy tính song song.

Tháng 3 năm 1994, sau tổng cộng hai năm học tập ở Hà Lan và hai năm làm việc trong nước, anh Công đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Parallel Runge-Kutta-Nystrom methods” (Các phương pháp Runge-Kutta-Nystrom song song) với 6 bài ISI, dược công bố trong những tạp chí tốt nhất về Toán học tính toán và toán học ứng dụng:

1.      P.J. van der Houwen, B.P. Sommeijer, N. H. Cong, Stability of collocation-based Runge-Kutta-Nystrom methods, BIT 31(1991) 469-481.

2.      P.J. van der Houwen, B.P. Sommeijer, N. H. Cong, Parallel diagonally implicit Runge-Kutta-Nystrom methods, Appl. Numer. Math., 9(1992) 263-281.

3.      N.H. Cong, A-stable diagonally implicit Runge-Kutta-Nystrom methods for parallel computers, Numer. Algor., 4(1993) 263-281.

4.      N.H. Cong, Note on the performance of direct and indirect Runge-Kutta-Nystrom methods, J. Comput. Appl. Math., 45(1993), 347-355.

5.      P.J. van der Houwen, N. H. Cong, Parallel block predictor-corrector methods of Runge-Kutta type, Appl. Numer. Math., 13(1993) 109-123.

6.      N.H. Cong, Parallel iteration of symmetric Runge-Kutta methods for nonstiff initial value problems, J. Comput. Appl. Math., 51(1994) 117-125.

Thực ra, đến thời điểm đó, anh Công chỉ đưa một phần ba kết quả thu được vào luận án tiến sĩ, phần còn lại anh để dành cho luận án TSKH được bảo vệ tại Hà Nội chừng một năm sau đó.

Ngày 20 tháng 2 năm 1995, tại 19 Lê Thánh Tông, anh Nguyễn Hữu Công đã bảo vệ thành công luận án TSKH “Các phương pháp song song dạng Runge-Kutta-Nystrom” với 17 bài công bố trên các tạp chí quốc gia và quốc tế.

Năm 1994, ngoài tấm bằng tiến sĩ, anh Công về nước còn mang theo máy tính Macintosh, máy in kim, và phần mềm soạn thảo toán học với công thức đẹp không kém gì phần mềm LATEX. Đó là niềm mơ ước của những người làm toán chúng tôi, bởi vì hồi đó trong nước đang thịnh hành phần mềm soạn thảo BKED của anh Quách Tuấn Ngọc. Tuy nhiên các ký hiệu toán học, như dấu tích phân, dấu tổng, v.v… soạn thảo bằng BKED đều không đẹp. Sau này khi TEX và LATEX phổ biến thì BKED không còn được sử dụng nữa.

Anh Công được phong học hàm PGS năm 1996 và GS năm 2002. Từ năm 1999, anh làm Phó Chủ nhiệm Khoa Toán-Cơ-Tin học, phụ trách mảng đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học của Khoa, đồng thời làm Chủ nhiệm Bộ môn Toán học tính toán và Toán ứng dụng. Năm 2001, cùng với các thầy giáo trong Khoa, như Phạm Kỳ Anh, Nguyễn Hữu Dư, Nguyễn Văn Minh, Vũ Hoàng Linh… và các nhà khoa học ngoài trường như Đinh Dũng, Nguyễn Đình Công, Nguyễn Khoa Sơn, v.v.., anh đã tham gia tổ chức thành công hội nghị quốc tế đầu tiên của Khoa: Hội nghị quốc tế về phương trình vi phân, lý thuyết xấp xỉ và ứng dụng Trường quốc tế CIMPA-UNESCO-HANOI về hệ khả tích và điu khiển.

Anh đã hướng dẫn thành công bốn NCS, gồm chị Nguyễn Thị Hồng Minh (2001), anh Lê Ngọc Xuân (2007), anh Nguyễn Văn Minh (2007) và chị Nguyễn Thu Thủy (2015). Riêng NCS La Trí Dũng đã có hai bài viết chung với thầy Công và đang gấp rút hoàn thành luận án.

Từ năm 2002 đến năm 2009, anh Công giữ chức vụ Trưởng Khoa Sau Đại học, ĐHQGHN. Trên cương vị mới, anh vẫn luôn quan tâm tư vấn, giúp đỡ Khoa Toán-Cơ-Tin học trong việc đào tạo cao học và nghiên cứu sinh. Từ năm 2010 đến khi mất, GS Nguyễn Hữu Công đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Toán--Tin học và Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo Khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lúc này, công việc quản lý không còn bận rộn như trước, anh Công đã thu xếp thời gian tham dự seminar của Bộ môn Toán học tính toán vào các chiều thứ tư hàng tuần. Seminar bắt đầu từ 2 giờ, nhưng cứ đến tầm 4 giờ, là anh đứng dậy ra về để “tránh tắc đường”.

Cố giáo sư, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Công (1949-2014) là một nhà Toán học tài năng với 48 công trình được thống kê trong MathSciNet, trong đó có 31 bài trên các tạp chí trong danh mục ISI, như: J. Comput. Appl. Math. , Appl. Num. Math., Comput. Math. Appl., Adv. Comput. Math., BIT, v.v…

Nhiều công trình của anh được trích dẫn hơn 10 lần từ các bài đăng trên tạp chí trong danh mục ISI. Điển hình là bài viết chung với các giáo sư P.J. Vander Houwen, B.P. Sommeijer trong BIT năm 1991 được trích dẫn 51 lần; bài viết chung với GS P.J. Vander Houwen trong Appl. Numer. Math. năm 1993 được trích dẫn 19 lần; bài trong J. Comput. Appl. Math. năm 1993 được trích dẫn 16 lần, v.v…

Tôi vẫn tự hỏi, làm thế nào để một người đã ngoài 40 tuổi mới bắt đầu làm Toán như anh Công mà lại thành công đến như vậy?!. Phải chăng đó là nhờ trí thông minh thiên bẩm và tinh thần cần cù làm việc của anh, hay nhờ tập thể hướng dẫn, giáo sư P.J. Vander Houwe và tiến sĩ B.P. Sommeijer đang triển khai một đề tài nghiên cứu lý thú và đưa ra những cách tiếp cận mới có thể giải quyết một loạt bài toán có tính ứng dụng cao?, nhờ môi trường khoa học ở viện CWI hết sức thuận lợi?. đặc biệt, có lẽ là nhờ anh có một hậu phương rất vững chắc. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Phó Giám đốc NXB Văn học, rất tháo vát, đảm đang, các cháu Anh Cường và Hạnh Dung đã luôn giữ được ngọn lửa nhỏ ấm áp trong gia đình. Có lẽ tất cả những điều đó cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân đã giúp anh vượt qua được những khó khăn của cuộc sống, những chông gai trên con đường sáng tạo, và thực sự anh đã vượt lên trên chính mình.

Viết đến đây, tôi như thấy anh, với dáng người đậm, giọng nói sang sảng của người dân vùng biển Xuân Hải và tiếng cười sảng khoái cùng tinh thần lạc quan yêu đời.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa, cũng là dịp 2 năm ngày mất của anh, tôi viết mấy dòng để tưởng nhớ tới anh, GS TSKH, NGƯT Nguyễn Hữu Công, nhà toán học xuất sắc, người thầy mẫu mực và người đồng nghiệp thân thiết của Khoa, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bộ môn Toán học tính toán và Khoa Toán-Cơ-Tin học.