TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI

PGS.TS. NGUYỄN ĐÌNH SANG

            Tháng 12 năm 1986 đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mở ra một giai đoạn đổi mới trong đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta. Tư duy đổi mới đã trở thành cơ sở phương pháp luận giúp đội ngũ cán bộ cán bộ viên chức của trường Đại học Tổng hợp nói chung và của Khoa Toán – Cơ nói riêng hiểu rõ chủ trương này và vận dụng vào công tác để tìm cách tháo gỡ khó khăn đổi mới nhà trường, đổi mới khoa.

            Việc đổi mới đầu tiên là đổi mới về đào tạo, năm 1987 Khoa Toán – Cơ chính thức thực hiện kế hoạch đào tạo 5 năm, và cũng từ năm này nhà trường đã xuất bản bộ chương trình các môn học cơ sở của tất cả các khoa trong đó có Khoa Toán – Cơ nhằm đưa công tác giảng dạy từng bước đi vào nề nếp theo một quy trình chuẩn 5 năm.

            Về đào tạo chuyên ngành Tin học, có thể nói khoa Toán – Cơ, Trường Đại học Tổng hợp là nơi đầu tiên trong cả nước giảng dạy môn máy tính, cụ thể là từ 1963 thầy Nguyễn Công Thuý đã dạy máy tính và lập trình cho sinh viên. Từ năm 1966, Khoa bắt đầu mở chuyên ngành Máy tính. Khoá 8 là khoá có cử nhân máy tính đầu tiên. Từ đó hàng năm khoa đều mở chuyên nghành Tin học (ban đầu gọi là chuyên ngành máy tính). Có năm chỉ riêng hệ chính quy đã có tới hàng trăm sinh viên theo học.

            Từ năm 1995, Khoa Công nghệ Thông tin được thành lập, việc đào tạo chuyên ngành Tin học hệ chính quy được Đại học Quốc gia quy định chuyển sang Khoa Công nghệ Thông tin. Trước tình hình đó, Khoa Toán – Cơ đã chủ động đề xuất mở chuyên ngành Toán – Tin Ứng dụng vào năm 1993 và sau 3 năm đào tạo thí điểm, năm 1996 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt làm mã ngành đào tạo chính thức. Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, sinh viên muốn học ngành Toán rất hiếm hoi, khoá 35 chỉ có 5 sinh viên, khoá 36 chỉ có 4 sinh viên và khoá 37 chỉ có 1 sinh viên theo học ngành Toán. Tuy số lượng học ít nhưng Khoa Toán – Cơ – Tin học vẫn duy trì đào tạo cán bộ ngành Toán và kết quả những sinh viên tuy ít ỏi này đều rất giỏi, như Phan Thị Hà Dương, Lê Minh Hà, Phó Đức Tài, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Quang Diệu, Hoàng Việt Hà, Hà Huy Tài…đều có thành công bước đầu và đang tiến xa hơn. Chứng tỏ Khoa vẫn tổ chức đào tạo chu đáo dù ít học sinh.

            Lại nói về tổ chức nhân sự, khi qui mô tuyển sinh đã được xác định thì việc đầu tiên là sắp xếp tổ chức nhân sự. Sau gần chục năm biên chế của khoa chỉ có giảm do chuyển công tác, do đi chuyên gia, do nghỉ hưu…trong khi không nhận thêm biên chế mới nào.

            Trong tình hình đó, cuối năm 1989 một bộ phận của Khoa được điều động sang xây dựng Viện Tin học Điện tử trực thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tiếp đến năm 1995, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập thì thêm một số cán bộ được cử sang công tác ở Khoa Công nghệ Thông tin là một đơn vị mới được thành lập. Có thể nói là một trong những đơn vị có lực lượng Toán học, Cơ học, Tin học có lực lượng mạnh nhất trong toàn quốc, sau nhiều lần bị điều động cán bộ, Khoa lại phải xây dựng lại đội ngũ cán bộ tin học. Tuy vậy ban lãnh đạo Khoa và Bộ môn Tin học đã rất cố gắng hoạt động nên lực lượng tin học được phục hồi nhanh chóng, ngày càng tiến bộ về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng được yêu cầu về công tác đạo tạo và nghiên cứu khoa học.

            Ngoài việc xây dựng lực lượng nói trên, Khoa còn có một nhiệm vụ rất nặng nề là xây dựng chương trình giảng dạy cho ngành Tin học để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của xã hội với sinh viên đã tốt nghiệp ngành này, điều đó cũng đảm bảo sự tồn tại của ngành Tin học. Vì ban đầu không ít ý kiến là Khoa không nên đào tạo ngành Tin học và chỉ tập chung đào tạo các ngành Toán học, Cơ học. Cũng từ đó hàng năm Khoa tuyển sinh đủ 3 ngành Toán học, Cơ học và Tin học với lưu lượng sinh viên khoảng 1000 người.

Song song với việc cải tiến chương trình, nội dung đào tạo hệ chính quy, khoa tiếp tục duy trì mở rộng các hình thức đào tạo khác. Thực hiện chủ trương của nhà Trường, Khoa đã mở hệ đào tạo không chính quy. Hệ này trong nhiều năm thu hút sinh viên theo học và được xã hội hoan nghênh.

Từ 1989, chương trình đào tạo được đổi mới theo 2 giai đoạn bắt đầu được thực hiện. Khoa đã cử những cán bộ có chuyên môn vững, có kinh nghiệm đào tào tham gia xác định danh mục ngành học, xây dựng khung kế hoạch học môn Toán cho các ngành học trong gia đoạn I và chương trình đào tạo, nội dung phương thức đào tạo giai đoạn II của Khoa Toán – Cơ – Tin học.

            Về lãnh đạo Khoa cũng có nhiều biến động, GS. TS Hoàng Hữu Như làm Chủ nhiệm Khoa trong giai đoạn khó khăn nhất 1982 – 1991. Tháng 2/1988 nhà trường tổ chức bầu hiệu trưởng mới, PGS.TS Nguyễn An trúng cử Hiệu trưởng. Tiếp theo đó thực hiện chế độ bầu cử, năm 1991 Khoa đã bầu GS. Trần Văn Nhung thay GS Hoàng Hữu Như hết nhiệm kỳ. Năm 1992, GS Trần Văn Nhung được cử làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc này GS. Đào Trọng Thi đã được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ đầu năm 1992. Do đó, cùng năm 1992 Khoa cử GS. Nguyễn Duy Tiến làm Chủ nhiệm Khoa thay cho GS. Trần Văn Nhung. Năm 1993 GS. Nguyễn Duy Tiến đi công tác nước ngoài dài hạn, Khoa lại cử PGS. Phạm Trọng Quát làm Chủ nhiệm Khoa. Năm 1995, PGS Phạm Trọng Quát được điều động đến công tác tại ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và GS. Đặng Huy Ruận được cử làm Chủ nhiệm Khoa từ năm 1995.

            Về mặt tổ chức trong giai đoạn này Khoa có 8 bộ môn: Đại số – Hình học – Tô pô, Giải Tích, Xác suất Thống kê, Toán học Tính toán và Toán ứng dụng, Toán Sinh thái và Môi trường, Tin học, Cơ học và Khối phổ thông Chuyên Toán – Tin.

            Để tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có đồng thời góp phần giải quyết khó khăn về đời sống Chủ nhiệm Khoa GS. Đặng Huy Ruận đã tổ chức cán bộ Khoa liên kết với 26 đơn vị và địa phương như: Trường Cao Đẳng Sư phạm Quy Nhơn, Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội, Cao Đẳng Sư phạm Hà Tây, Đại học Sư phạm Vinh, Quảng Ninh, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phú, Đà Nẵng,… để mở các lớp chuyên tu cử nhân Toán – Tin ứng dụng và Cao Đẳng Tin học. Qua liên kết này Khoa đã cùng các đơn vị bạn đào tạo được nhiều cán bộ có trình độ tin học nhất định đáp ứng yêu cầu phổ cập cấp bách về Tin học, một ngành mới bắt đầu phát triển nhưng có sức thu hút kỳ điệu.

            Song song với việc đào tạo chính quy các ngành Toán học, Toán Cơ, Toán Tin ứng dụng và Sư phạm Toán học (3 năm đầu sinh viên học tại khoa Toán – Cơ – Tin học, năm cuối chuyển về Trường Đại học Giáo dục). Khoa còn trực tiếp phụ trách việc giảng dạy và tham gia quản lý hệ cử nhân Khoa học Tài năng ngành Toán học và Toán Cơ (bắt đầu năm 19…). Phần lớn sinh viên học ở khoá đầu tiên khi tốt nghiệp đã được cấp học bổng để tiếp tục học tập ở nước ngoài. Rất nhiều người đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, trở thành giảng viên, nghiên cứu viên hay thực tập sau Tiến sĩ ở các trường Đại học và Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, ví du như: Nguyễn Ngọc Hưng, Võ Thị Như Quỳnh, Hà Thị Ngọc Yến, Nguyễn Phương Chi, Hà Minh Lam (K1); Nguyễn Thịnh, Đặng Anh Tuấn, Nguyễn Lưu Sơn, Phạm Văn Quốc, Trần Thanh Tuấn, Bùi Thanh Tú (K2); Đoàn Trung Hiếu, Hoàng Mạnh Quang (K3); Đào Phương Bắc (K4); Nguyễn Tất Thắng (K5); Đoàn Thái Sơn (K6);...

            Đối với hệ Trung học Phổ thông Chuyên Toán – Tin, để đáp ứng nguyện vọng học tập của thế hệ trẻ và yêu cầu bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ đổi mới, khối Trung học Phổ thông Chuyên Toán – Tin ngày càng mở rộng quy mô đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất.

            Khối đã được trang bị thêm 7 phòng học mới khang trang, 2 phòng máy tính. Khối đã mời các thầy giáo có trình độ cao, nhiệt tình giảng dạy ở trong và ngoài trường để cùng tham gia giảng dạy và bồi dưỡng các đội tuyển.

            Các giáo viên của Khối vừa giảng dạy các lớp của chuyên Toán, vừa giảng dạy các chuyên đề bồi dưỡng Toán sơ cấp cho các giáo viên các tỉnh thành khác như: TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương,… vừa tự lực học tập nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ như: TS. Nguyễn Vũ Lương, TS. Nguyễn Thành Văn.

            Xêmina Toán sơ cấp hàng tuần được duy trì thường xuyên từ những năm 90 là nơi để giáo viên báo cáo những tìm tòi mới nhất trong nghiên cứu giảng dạy Toán sơ cấp. Đề tài biên soạn giáo trình cho học sinh chuyên được triển khai và nghiệm thu tốt.

            Nhiều học sinh của Khối là thủ Khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học vào các trường đại học trong nước. Nhiều em đã được cử đi học đại học tại Cộng hoà Pháp, Vương quốc Anh, Australia, Singapor, Nhật Bản,…

            Học sinh Chuyên Toán – Tin của Khối đã trở thành nòng cốt của đội tuyển Quốc gia và các em đã đạt được những thành tích suất sắc mà không một trường Trung học Phổ thông nào ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt được.

            Các thế hệ học sinh chuyên Toán – Tin coi báo Toán học Tuổi trẻ là một tờ báo thân thiết. Nhiều em đã được giải thưởng của báo nhân kỷ niệm những năm chẵn ngày thành lập báo.

            Tập thể giáo viên của Khối luôn nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, tận tuỵ giáo dục vào quản lý học sinh như các thầy: Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, Đỗ Thanh Sơn, Phạm Đăng Long, Dương Hoàng Giang, Lê Văn Việt, Nguyễn Cảnh Hoè, Phạm Quang Đức, Phan Công Đức và các cô: Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Thị Tính, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Phương Hoè,…

Về đào tạo cao học, Khoa Toán – Cơ – Tin học chẳng những là đơn vị đi đầu của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà còn là những đơn vị đầu tiên trong toàn Quốc mở hệ đào tạo Cao học. Ngoài những chuyên ngành truyền thống về Toán học, Cơ học, Đảm bảo Toán học cho Máy tính và hệ thống tính toán. Để phục vụ cho việc đào tạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán học, Khoa đã đề xuất chuyên ngành đạo tạo Thạc sĩ Phương pháp Toán sơ cấp nhằm đào tạo các chuyên gia có trình độ cao về Toán sơ cấp. Chuyên ngành này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt làm chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ và sau này một số trường đại học đã mở chuyên ngành này.

Về công tác bồi dưỡng trình độ và nghiên cứu khoa học.

Khoa tổ chức sinh hoạt đều đặn các Xêmina bộ môn và liên cơ quan:  Đại số –  Hình học – Tô pô, Giải tích, Phương trình vi phân, Cơ học, Toán ứng dụng, Xác suất – Thống kê, Tin học, Phương pháp Toán sơ cấp… đã hỗ trợ rất lớn cho công tác nghiên cứu giảng dạy và tự bồi dưỡng của giảng viên trong Khoa.

            Khi cánh cửa đào tạo ở nước ngoài khép lại, không ít cán bộ trong Khoa với tinh thần tự lực, lớp trước giúp đỡ lớp sau đã tự đào tạo trên đạo học ngay trong nước. Khoa Toán – Cơ – Tin học tự hào là một trong những cơ sở Khoa học đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học. Đã có 92 cán bộ, nghiên cứu sinh của Khoa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học trong nước, ngoài ra có hàng trăm học viên cao học của Khoa cũng tốt nghiệp trong giai đoạn này.

            Khoa đã đẩy mạnh nghiên cứu Khoa học tăng cường hợp tác trong nước và Quốc tế. Đã hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh về Tô pô Đại số, Phương trình vi phân, Giải tích số, Xác suât thống kê, Cơ học, … với nhiều công trình được công bố ở các Tạp chí Quốc tế có uy tín cao.

            Hội nghị Khoa học năm 1988 – 1989 vào ngày 10 – 11/3/89, có 73 báo cáo.

            Hội nghị Khoa học năm 1993 – 1994 vào năm 1994, có 69 báo cáo (Proceeding Of Conference 270 trang)

            Hội nghị Khoa học kỷ niệm 40 năm thành lập trường vào 31/10/1996, có 95 báo cáo khoa học và được giới thiệu trong cuốn Tóm tắt công trình (gồm 46 trang).

            Lãnh đạo Khoa trong thời kỳ này còn tìm kiếm các hợp tác Quốc tế mở rộng ra ngoài khối Xã hội Chủ nghĩa như: Australia, Italia, Hà Lan,… đặc biệt hợp tác VH4 mà sau đó kéo theo việc nhiều cán bộ của khoa đi trao đổi Khoa học ở nước ngoài.