BA LAN VỚI BỐN GIẢI NOBEL
VĂN HỌC
Hoàng Bình - khóa 1967
Ba Lan là một quốc gia
đất không rộng (312.000 km2), người không đông (38,5 triệu người) ở Trung Âu,
độc lập trong những năm tháng ngắn ngủi giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và
thực sự độc lập từ sau chiến tranh lạnh thế kỷ XX. Tuy nhiên, đóng góp của dân
tộc và đất nước này cho nền văn minh nhân loại hoàn toàn không nhỏ. Tên tuổi của
nhà thiên văn học Mikołaj
Kopernik (1473-1543), thi sỹ Adam Mickiewicz (1798-1855), nhạc sỹ Fryderyk
Chopin (1810-1849) v.v... đã được nhân loại văn minh biết đến từ lâu. Nhìn lại
hơn một thế kỷ gần đây, người ta càng thêm khâm phục khi nhận thấy dân tộc khiêm
tốn này đã có tới 4 đại diện được trao giải Nobel danh giá về văn học. Bốn giải
Nobel văn học là lý do chính đáng cho lòng tự hào dân tộc. Đây là lĩnh vực người
Ba Lan đạt được những thành tựu rất đáng khâm phục.
Năm 1905, Henryk
Sienkiewicz (1846-1916) được trao giải Nobel không chỉ do ông là tác giả Quo
Vadis, trong đó mối tình giữa Vinicius và Ligia được đặt trong bối cảnh những
con chiên của đạo Kitô bị truy nã hết sức gắt gao mà còn do “những tuyệt tác”
của “một thiên tài hiếm có đã hiến dâng cuộc đời cho tinh thần dân tộc”. Chúng
ta đều biết rằng vào năm 1905 rất khó tìm ra các địa danh thuần Ba Lan trên bản
đồ châu Âu. Tám mươi ba năm sau ngày Henryk Sienkiewicz mất, nhiều tác phẩm của
ông lần lượt được chuyển thể dựng thành phim: Pan Wołodyjowski
(Ngài Wołodyjowski),
Potop (Đại hồng thủy), Ogniem i mieczem (Lửa và gươm), W pustyni i w puszczy (Trên
sa mạc và trên rừng thẳm), Quo Vadis (Đi đâu), Krzyzacy (Thập tự quân), Rodzina
Połanieckich
(Gia đình Połaniecki).
Kiệt tác Quo Vadis đã được dịch sang tiếng Việt.
Władysław
Stanisław
Reymont (1867-1925) nhận giải Nobel năm 1924. Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều
vấn đề xã hội, lịch sử và tập quán Ba Lan những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX. Trong tiểu thuyết Ziemia Obiecana (Đất hứa) ông mô tả sự ra đời của một
thành phố công nghiệp, các xung đột và những quy luật tàn khốc chi phối xã hội
tư bản đang hình thành ở Ba Lan. Kiệt tác Chłopi
(Nông dân) của ông là bài ca về cuộc sống của những người nông dân, bức tranh
nghệ thuật hoàn chỉnh nhất về nông thôn Ba Lan trong buổi giao thời giữa hai thế
kỷ. Cả hai tác phẩm trên đều đã được chuyển thể dựng thành phim. Có câu chuyện
kể lại rằng, giải Nobel văn học năm đó lẽ ra phải được trao cho một người đồng
hương khác của Reymont là nhà văn Stefan Żeromski, tác giả của Wiatr od morza (Gió
từ biển). Tuy nhiên trong các sáng tác của mình, Żeromski thường có ý bài Đức
nên Viện Hàn lâm Hoàng gia không chọn ông. Một nhà bình luận người Mỹ viết rằng
sự thật là năm đó cả Żeromski và Reymont đều xứng đáng được nhận giải Nobel, do
phần lớn người Ba Lan chọn Żeromski nên Viện Hàn lâm Hoàng gia đã chọn Reymont.
Giải Nobel văn học năm
1980 được trao cho Czesław
Miłosz
((1911-2004), nhà thơ Ba Lan sống và sáng tác ở Pháp và Mỹ từ 1951 đến 1993. Ông
được coi là thi sỹ của học đường với những tác phẩm ngày càng được nhiều người
ưa thích. Tuy nhiên, trước năm 1980 tác phẩm của ông bị kiểm duyệt gắt gao ở Ba
Lan. Khi nhận giải Nobel, ông nói: “Tôi là một phần của văn học Ba Lan, một nền
văn học mà thế giới còn ít biết, còn ít được dịch ra tiếng nước ngoài”. Người Ba
Lan rất tâm đắc với ý kiến này.
Năm 1996, giải Nobel văn
học lại được trao cho một đại diện nữa của dân tộc Ba Lan, nữ thi sỹ Wisława
Szymborska (1923-2012) với số lượng khiêm tốn hơn 200 bài thơ sáng tác trong
suốt 51 năm. Tại buổi lễ nhận giải thưởng, bà nói: “Trong cuộc sống hằng ngày,
chúng ta quen gọi mọi thứ là bình thường, nhưng trong ngôn ngữ thi ca thì không
có gì là bình thường cả: một viên sỏi, một áng mây, một ngày và nhất là sự sống
của ai đó trên thế gian này”. Phải chăng, sự nâng niu trân trọng mọi giá trị của
cuộc sống là bí quyết mang lại vinh quang cho tâm hồn Ba Lan? Wisława
Szymborska đã lấy cuộc sống của dân tộc và đất nước Việt Nam và những tình cảm
của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam – một đất nước xa xôi mà trước đó chưa một
lần bà đặt chân tới – làm nguồn cảm hứng cho 2 trong số hơn 200 bài thơ làm nên
sự nghiệp của bà. Gần một năm sau khi Szymborska được trao giải, dịch giả Tạ
Minh Châu đã chọn dịch sang tiếng Việt 75 bài thơ của bà và bà đã đề tặng “những
tình cảm tốt đẹp nhất” dành cho bạn đọc Việt Nam vốn từ lâu trân trọng các giá
trị tinh thần tinh tế và cao đẹp của những người Ba Lan anh em. Tương tự như
trường hợp Reymont và Żeromski trước đó 70 năm, có bộ phận dư luận cho rằng một
người đồng hương khác của Wisława
Szymborska là Zbigniew Hurbert cũng xứng đáng nhận giải thưởng Nobel văn học.
Đất nước Ba Lan tươi đẹp,
dân tộc Ba Lan hiền hòa đã cống hiến cho nhân loại những giá trị vĩnh cửu trong
khoa học, âm nhạc, văn học, thi ca... và cả trong phương cách kiến tạo thế giới
văn minh, điển hình là Hội nghị Bàn tròn năm 1989, nơi mọi ý kiến xây dựng được
trình bày, được lắng nghe, được tôn trọng. Có người khuyên rằng, để nâng cao khả
năng cảm thụ thẩm mỹ cần phải đọc thơ. Và, trong số các nhà thơ nhất thiết phải
đọc có các tên tuổi Ba Lan: Czesław
Miłosz,
Zbigniew Hurbert, Wisława
Szymborska…
Hoàng Bình - khóa
1967
|