Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

 

 

 

CUỘC GẶP MẶT XÚC ĐỘNG CỦA CÁC THẾ HỆ SINH VIÊN, NGHIÊN CỨU SINH  VIỆT NAM VỚI CÁC CÔ GIÁO BA LAN

SAU NHIỀU NĂM XA CÁCH

 

Xem Album ảnh

Trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, Nhà nước ta đã gửi hàng ngàn thanh niên sang các nước bạn trong phe XHCN để đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng đất nước sau ngày chiến thắng ngoại xâm. Trong thời gian từ 1955 đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhân dân Ba Lan đã mở rộng vòng tay đón hàng ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam sang nước bạn học tập, nghiên cứu và tu nghiệp… Những năm trước 1975, lưu học sinh và nghiên cứu sinh được Nhà nước cử sang Ba Lan  đều phải qua một khóa học tiếng nước bạn trên quê hương của Nhạc sĩ thiên tài Ba Lan F. Chopin, của Nhà thiên văn học M. Kopernik, của nữ Bác học M. Qurie Sklodowska… Do số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam rất đông nên Bộ Đại học Ba Lan đã phải mở thêm các Trung tâm dạy tiếng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt nam tại Tp. Krakow và Tp. Wroclaw ngoài Trung tâm dạy tiếng Ba Lan cho người nước ngoài đã có từ lâu tại Tp. Lodz thuộc Trường Đại học tổng hợp Lodz. Sau chiến tranh, các khóa học tiếng Ba Lan được tổ chức tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là trường Đại học Hà Nội và các thày cô giáo Ba Lan đã sang Việt Nam để giảng dạy, có nhiều người gắn bó với Việt Nam hàng 5, 6 năm trời trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước ta sau chiến tranh.

Từ trái sang phải: Ngài Roman Iwaszkiewicz, Đại sứ Ba Lan

và Phu nhân, ông Hồ Chí Hưng

và Ngài Jacek Kasprzyk, Phó Đại sứ

Ông Đặng Văn Hiến và ông Hồ Chí Hưng

 

 

Trong một năm học tiếng Ba Lan và những năm sau học đại học, làm luận văn Tiến sĩ, hoặc tiến hành tu nghiệp tại các nhà máy, các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đã được đào tạo, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ tận tình của nhiều thế hệ giáo viên dạy tiếng Ba Lan, của các giáo sư, các cán bộ giảng dạy, kỹ sư, đốc công, các nhân viên… của các trường đại học, nhà máy, công xưởng… Ba Lan. Trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đã từng học tập, nghiên cứu, thực tập ở Ba Lan vào giai đoạn đó đều luôn nhớ đến những gì mà nhân dân Ba Lan, các cơ sở đào tạo của Ba Lan, các thày, cô giáo Ba Lan đã dành cho chúng ta. Mãi mãi chúng ta ghi nhớ tình cảm cao thượng và sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Ba Lan nói chung và của các thày, cô giáo nói riêng.

Cô giáo Barbara Machejko đã thay mặt các cô giáo

trong đoàn xúc động phát biểu

Ông Lê Xuân Bình (bên trái)

và ông Hoàng  Trần Đồng (ở giữa)

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong một số năm vừa qua, nhiều Ban Liên lạc cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã đóng góp kinh phí để mời và tổ chức cho một số giáo viên đã dạy tiếng Ba Lan sang thăm Việt Nam. Khởi đầu là việc tổ chức cho các cô giáo dạy tiếng Ba Lan ở Trung tâm dạy tiếng Ba Lan Tp. Wroclaw. Cũng cần nói đến nhiệt tình và tâm huyết của anh Đoàn Văn Kiển nguyên Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và một số anh chị em khóa 1967 học tiếng tại Tp. Wroclaw. Các cô giáo hầu hết đã cao tuổi nhưng vô cùng phấn khởi được sang Việt Nam, được gặp lại hầu hết các học sinh thân yêu của mình và được đón tiếp trong tình cảm nồng nhiệt, chân tình.  Tiếp đến là việc tổ chức mời lãnh đạo một số Trường đại học ở Krakow, Warszawa, Gdansk, Gliwice, Poznan… là những trường đại học có số lượng đông đảo LHS, NCS Việt Nam theo học và nghiên cứu trước đây. Tất cả các thày, cô giáo, Lãnh đạo các Trường đại học đều được chúng ta đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và để lại ấn tượng sâu sắc về tình cảm thủy chung của người Việt Nam đối với nhân dân Ba Lan, các cơ sở đào tạo của Ba Lan.

Cô giáo Barbara Machejko, Cô giáo Elzbieta Maria Sajenczuk

và Cô giáoLucyna Wawrzynczak

Cô giáo Barbara Machejko chụp kỷ niêm

 với học trò cũ của mình

Vào dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, tiếp nối truyền thống tốt đẹp, các anh, chị em sinh viên, nghiên cứu sinh giai đoạn 1975 – 1990 và một số năm sau đã mời 3 cô giáo Ba Lan đã từng sang Việt Nam dạy tiếng Ba Lan tại Đại học ngoại ngữ Hà Nội, đó là các cô giáo Barbara Machejko đã làm việc ở Việt Nam trong 6 năm, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dạy tiếng Ba Lan thuộc Đại học Tổng hợp Tp. Lodz, Ba Lan. Bà là cô giáo thân thiết, gần gũi của nhiều thế hệ sinh viên và NCS Việt Nam. Các anh, chị em coi Bà như người mẹ bởi Bà đôn hậu, nhiệt tình dạy dỗ, chia sẻ những tâm tư tình cảm với học trò của mình và bản thân Bà cũng đã chia sẻ với chúng ta những năm tháng khó khăn nhất sau chiến tranh của thời bao cấp. Trong đoàn còn có các cô giáo Elzbieta Maria Sajenczuk, Lucyna Wawrzynczak cũng gắn bó với Việt Nam trong 5, 6 năm trời tại Hà Nội. Trong giai đoạn 1975 – 1990 đã có 5 thày, cô giáo Ba Lan sang Việt nam dạy tiếng Ba Lan cho gần 1000 LHS và NCS Việt Nam trước khi sang Ba Lan học tập, nghiên cứu. Các thày, cô giáo Ba Lan đã biên soạn giáo trình, lên lớp, xây dựng tủ sách thư viện tiếng Ba Lan và đặc biệt họ gắn bó với học trò Việt Nam như người thân trong gia đình.

Cô giáo Barbara Machejko chụp kỷ niêm

 với các học trò cũ của mình

Cô giáo Barbara Machejko chụp kỷ niêm

 với học trò cũ của mình

Sau chuyến di du lịch xuyên Việt phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn gần 3 tuần với sự đồng hành với các cô giáo từ Ba Lan đến ngày cuối chuyến thăm  ở Việt Nam của anh Bùi Bách Lâm, cựu sinh viên, tối ngày 3 /4/2013 gần 70 cựu sinh viên, nghiên cứu sinh đã từng là học trò tại các lớp học tiếng Ba Lan do chính các cô giáo giảng dạy đã tập hợp nhau lại để chào đón các cô giáo thân thương của mình sau nhiều năm xa cách. Những cái bắt tay nồng nhiệt, những vòng tay, nụ hôn thân thiết, những nụ cười và không ít những giọt lệ cảm động trong khóe mắt…Các cô giáo đã ngoài tuổi 70 nhưng vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Các cô vẫn nhận ra từng người là học trò cũ của mình: Vợ chồng anh Đoàn Quốc Việt, anh Hoàng Trần Đồng, anh Nguyễn Văn Yên, anh Lê Đắc Sơn, anh Phạm Trọng Quát, anh Lê Trường Sơn, anh Tạ Bá Long, chị Bảo, chị Hải, chị Mai... và nhiều anh chị khác nữa, rất nhiều thế hệ học trò đã đến gặp mặt các cô giáo cũ của mình.

Cô Văn Thị Hải ở giữa và cô Hoàng  Thu Oanh

Ông Phạm Trọng Quát (thứ 2 từ trái sang)

Dự buổi gặp mặt còn có Ngài Roman Iwaszkiewicz, Đại sứ Ba Lan và Phu nhân, Ngài Jacek Kasprzyk, Phó Đại sứ, và các ông Hồ Chí Hưng, Dương Quốc Thắng, Lê Xuân Bình đại diện lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan. Đặc biệt là sự có mặt của cô giáo Hoàng Thu Oanh, người đã dành nhiều thời gian lo toan việc tổ chức chuyến thăm Việt Nam cũng như tổ chức buổi gặp mặt và thày Đặng Văn Hiến là những thày cô giáo Việt Nam - đồng nghiệp của các thầy cô giáo Ba Lan đã giảng dạy tiếng Ba Lan cho các học trò từ những năm trước đây.

Ông bà Đoàn Quốc Việt - Hiền

Cô giáo Elzbieta Maria Sajenczuk phát biểu

 Cô giáo Barbara Machejko đã thay mặt các cô giáo trong đoàn xúc động phát biểu trước đông đảo học trò của mình… Cô nói, chúng tôi cám ơn các em đã tạo cho chúng tôi cơ hội thăm lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, được gặp lại các em chúng tôi rất mừng và tự hào về sự trưởng thành của các em, rất xúc động về tình cảm chân thành nồng hậu của các em. Chúng tôi ngưỡng mộ sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, trong một thời gian không dài đất nước của các em đã có quá nhiều thay đổi, chúng tôi chân thành chúc nhân dân Việt Nam và các em phát triển hơn nữa, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống. Đại diện của các thế hệ học trò đã trao tặng các cô giáo những bó hoa tươi thắm, những món quà kỷ niệm và chụp ảnh chung với các cô giáo để ghi nhớ buổi gặp mặt trong bầu không khí thân tình, nồng ấm của một buổi tối đầu xuân.

Ngài Đại sứ Ba Lan và đại diện của Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan đã phát biểu bày tỏ sự xúc động được tham gia một sự kiện đặc biệt, biểu hiện sinh động tình cảm hữu nghị thủy chúng, lòng biết ơn của những người Việt Nam  đối với nhân dân Ba Lan nói chung và các thày cô giáo, các Trường đại học Ba Lan nói riêng./.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan,

Hà Nội, ngày 6/3/2013

 

Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

Copyright © 2011 Album Tổng hợp của Khối chuyên Toán-Tin Đại học Tổng hợp Hà Nội
Phone mobile: 0904070637 hoặc 0986838536
Email: lightsmok@gmail.com hoặc Yahoo Messenger: happidragon@yahoo.com