Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

 

 

Mai Quỳnh Nam không đi trên những lối mòn*

Tác giả: Paweł Kubiak (Ba Lan), 25.05.2021
(theo Quê Việt)
 

Nguyệt san Gazeta Kulturalna (Báo Văn hóa) của Ba Lan số ra tháng 2 năm 2021 vừa đăng bài viết của tác giả Pawel Kubiak về tập thơ Phía bên kia sự im lặng của Mai Quỳnh Nam. Bài giới thiệu – phê bình này đã đăng trên trang Lý luận – phê bình của Hội Nhà văn Ba Lan giữa tháng 2 năm 2020. Chỉ hai tuần sau đó, tác giả bài viết đã đột ngột ra đi. Ở Ba Lan, Pawel Kubiak được biết đến với tư cách nhà thơ, nhà hoạt động văn học nghệ thuật, dịch giả văn học Việt Nam ra tiếng Ba Lan. Ông đã cùng nhà thơ Lâm Quang Mỹ dịch thơ cổ điển Việt Nam, thơ của các tác giả thuộc phong trào Thơ Mới, dịch thơ Lâm Quang Mỹ, in và phát hành rộng rãi tại Ba Lan. Ông cũng là một trong số không nhiều các dịch giả Ba Lan được mời sang Việt Nam dự  Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Nhận thấy giá trị bài viết của ông về thơ Mai Quỳnh Nam, nguyệt san Văn hóa đã đăng lại trọn vẹn bài viết này về nhà thơ Việt Nam vừa có tác phẩm thơ in tại Ba Lan cuối năm 2020.
 

  • Pawel Kubiak ra đi là tổn thất lớn không chỉ với công chúng văn học Ba Lan mà còn với công chúng văn học Việt Nam. Ông yêu mến Việt Nam và đã dành tình cảm đặc biệt cho nền văn học mà ông đánh giá cao và vô cùng ngưỡng mộ.
     

Paweł Kubiak 


 

Thơ Việt Nam ở Ba Lan vẫn là một cái gì đó xa lạ. Mà rõ ràng đất nước châu Á này luôn là mảnh đất tốt cho thơ ca phát triển, nơi nhà thơ được tôn vinh, ngưỡng mộ. Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước được công bố dưới dạng một bài thơ. Văn Miếu ở Hà Nội tồn tại suốt 10 thế kỷ nay là minh chứng hùng hồn cho lời khẳng định này.

Suốt nhiều năm hợp tác dịch thơ cổ điển Việt Nam, nền thơ có truyền thống tính bằng thiên niên kỷ, tôi có vinh dự hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam mời sang Việt Nam dự các hoạt động liên quan đến văn học. Cụ thể tôi tham dự các Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài với danh nghĩa người dịch văn học Việt Nam ra tiếng Ba Lan, cùng với hàng trăm dịch giả nước ngoài khác. Quy mô của các hoạt động này thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng của những người Ba Lan chúng ta: đoàn xe ca 10 chiếc nối đuôi nhau chở các dịch giả đi thăm danh lam thắng cảnh ở thủ đô, tham quan vịnh Hạ Long, đi dọc sông Hồng và đến nhiều địa danh nổi tiếng khác, có xe cảnh sát tháp tùng. Ở cuối mỗi câu miêu tả trên đây của tôi, lẽ ra dấu chấm than phải được sử dụng!

Khi tập thơ Phía bên kia sự im lặng của Mai Quỳnh Nam được xuất bản, tác giả bản dịch, với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan, Kalina Izabela Ziola, đã gửi tặng nó cho tôi và việc làm này khiến tôi vui mừng khôn tả. Lý do: đây là thơ hiện đại Việt Nam, loại thơ “sống” thuộc giai đoạn thơ mà tôi biết ít nhất. Cuốn sách có dung lượng khá lớn, in đẹp, minh họa mang không khí và tâm hồn châu Á. Còn nội dung thì vô cùng phong phú.

Trước hết tập thơ là kho báu chứa đựng kết quả quan sát các sự kiện và các quá trình đời sống: quá trình liên quan đến thiên nhiên, quá trình mang tính xã hội học và văn minh hóa. Rõ ràng sự nhậy cảm về thân phận con người đã được làm nổi bật. Mai Quỳnh Nam thường xuyên xã hội hóa các vấn đề mà thơ ông đề cập, ông chỉ ra những con đường nhỏ mờ ảo của hệ thống xã hội trong nền văn minh của chúng ta; chúng ta không biết suy ngẫm cụ thể của nhà thơ liên quan đến quốc gia nào, bởi vì thi sĩ chu du nhiều nơi trên thế giới, song tôi nghĩ điều đó không phải là vấn đề quan trọng nhất:

 

Xã hội học lúc 0 giờ

Mưa pháo hoa xối xả lên trời

Uốn những vòng ngũ sắc

 

Giờ này những chú bé đánh giày ngủ rất ngon,

rất say. Những cô gái bán mình vừa dứt cuộc tình,

bóng hình mờ mờ ảo ảo. Những ông chủ

vừa tan tiệc rượu, thương trường điên đảo,

giá vàng vừa tỉnh vừa say

giờ này, bầu trời tinh tươm không gợn mây

không suy thoái,

không phát triển,

không minh chứng một điều gì hết

dịu dàng trên tán cây

che giấc ngủ ngon

những chú bé đánh giày

Một vấn đề riêng rẽ khác là sự cô đơn “có chủ định” được đề cập trong bài Người đàn bà hiện đại: “Độc thân/ sống cùng cún con/ hai tivi/ hai điện thoại (…)/ đêm buồn/ dắt cún dạo chơi”.

Hiện tượng không mấy hay ho khác có thể là mặt trái của đô thị hóa diễn ra chóng mặt và việc công nghệ hiện đại thống trị đời sống xã hội:

Hiện đại

Ăn cơm hộp, ở nhà hình hộp

Sống độc thân ngày cơm hộp hai lần

Phố chói nắng, không cây đổ bóng

Những quan tài dựng ngược bủa vây anh

(…)

Ở một số bài thơ trong phần Một tập thơ này, chúng ta bắt gặp sự súc tích đến bất thường, những tối giản đáng ngạc nhiên nhưng lại không hề làm nghèo nàn nội dung các tác phẩm! Chỉ trong một hai dòng thơ thôi mà cả vũ trụ thi ca hiện diện. Có cảm giác từ chỗ dòng thơ kết thúc không thể có con đường đi tiếp: một bước tiến thêm lên phía trước sẽ phá vỡ mối liên hệ với nền tảng liên tưởng, một bước lùi lại phía sau sẽ làm loãng ra cảm xúc. Cho nên sự gắn kết giữa các từ ngữ phải vô cùng khéo léo: * * */ Một túp lều/ một vầng trăng/ hai tiếng thở dài/ vài giọt sương/ thế là thiên đường.

Hay: * * */ Không đến nỗi tồi tệ/ thì em còn có anh/ anh còn có trời xanh/ trời xanh còn mây trắng/ tính trọn gói một ngày/ thế là ta thắng đậm.

Tôi muốn dành thêm mấy câu để nói về sự đặc sắc của bài thơ sau đây. Vầng trăng, những đám mây trôi trên bầu trời, đối với người Việt là cả một thế giới huyền ảo, chứ không chỉ là biểu trưng, mà là một hiện thực ngoài vật chất! Đó là một thế giới người ta bắt gặp, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một bản di chúc để lại cho tương lai:  ***/ Đám mây màu hồng nhạt/ đang chuyển dần thành xanh/ con ơi, vầng mây trắng/ nhiều khi trôi một mình.

Về các mối quan hệ xã hội và những tập quán tồn tại ở Việt Nam (và chắc chắn ở một phần các quốc gia châu Á nữa), bài thơ trích dẫn dưới đây nói lên nhiều điều:

Sự tồn tại

Ông giáo sư tồn tại vì cái đầu uyên bác

cô thư ký tồn tại vì xinh và đôi khi giả bộ hơi đần

tôi tồn tại vì gì không biết

đã mấy lần nước ngập đến chân

Bài thơ Quan hệ giới, mở đầu bằng câu “Sạp trái cây của người đàn bà/ quả gì cũng có”. Có thể thấy phần lớn các bài thơ đều được viết từ góc nhìn điển hình của người đàn ông khi ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ, đề cao sự tinh tế thiên phú của phái đẹp. Tác giả cũng bày tỏ sự mong đợi thường tình của đàn ông: sống lâu dài bên cạnh người phụ nữ mình yêu, được hưởng sự chăm sóc, ân ái, ví dụ: “Tình yêu phong em thành thánh thành thần, thành đức tin, anh ngưỡng vọng”. “Em trói buộc tôi bằng quyền lực mềm/bằng nhan sắc”, “Đôi ta lỡ bước sa chân/ mấy lần trượt ngã/ thôi thì dựa vào nhau mà đi/ đường xa/ nào ân hận gìẤm êm bên em trôi qua rất nhanh/ tất cả tan tành/ bệnh tình ấp tới”.

Ở một trong số những bài thơ mà theo tôi là quan trọng nhất của tập thơ, chúng ta bắt gặp sự so sánh không chút mâu thuẫn giữa triết học châu Âu của Hegel với thuyết đầu thai kiếp sau của châu Á theo Ấn Độ giáo, Hin-đu giáo. Trong tương lai được đề cập, không có cái gì chiến thắng cái gì mà cả hai thế giới đều song song tồn tại:

Phép  thử thuật tư biện

Theo phương pháp của Hê-ghen

tôi đặt niềm tin

vào ý niệm tuyệt đối

tôi kêu gọi

những hạt sương kết đọng trong đêm

sáng ra, tôi nhìn

trên lá sen

long lanh hạt ngọc

 

tôi cũng đặt niềm tin

vào ý niệm tuyệt đối

để hình dung về em

mong có em trong tồn tại khác

em đẹp, nồng nàn …

 

sau giấc mơ miên man

tôi gặp con cánh cam

xòe đôi cánh óng vàng

bay lên

từ cây mận

Tính tư tưởng chiếm vị trí đáng chú ý trong tập thơ Phía bên kia sự im lặng. Nhà thơ đứng ở phía nào, đứng về phía ai để phát ngôn? Thi sĩ là nhà nghiên cứu xã hội học làm việc ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Ông bày tỏ những quan điểm phong phú, đa dạng, đôi khi đối lập nhau, đưa ra những phát hiện khác nhau về vấn đề cuộc sống, cái chết, tâm hồn (tâm hồn đối với người Việt là ý thức về giá trị bản thân, hơi khác so với toàn bộ đời sống, sự tồn tại của con người Thiên chúa giáo). Trong bài thơ viết tặng vợ, ông nói rõ: “sau khi chết, chúng ta bị quẳng mỗi đứa một nơi”…, và xa hơn một chút “trời ghen tức chơi trò phá đám”. Ông tỏ ra nghi ngờ: “Chúng ta chia tay nhau ở phía cuối con đường, sực mùi tử khí/ kiếp người là gì ấy nhỉ?”. Ông cũng cho phép: “Lòng tan rã như có ma đến ám”. Trong thơ ông có chỗ cho một quan niệm mang tính hoàn vũ:

Cầu nguyện

Xin tha thứ mọi tội lỗi

xin hãy minh oan

xin nhìn thấu vào nguyên nhân cái chết

 

xin để linh hồn anh được siêu thoát

So sánh với tầm nhìn Thiên chúa giáo, có thể thấy sự khác biệt: “giản dị thôi, tôi chuyển vùng đời/ về miền tất định”. Sau sự ra đi của người vợ thân yêu, nhà thơ viết bài thơ chứa đựng bi kịch cá nhân nhưng cũng đầy chất trí tuệ:

Mộ đôi

Hai tấm thân tan rã

Truyền hơi ấm cho nhau

Dưới đất lạnh

Từ lâu

Họ chỉ còn im lặng

Còn đây là bài thơ chứa đựng thế giới quan thuần túy:

* * *

Tất cả tin vào cái không có

thế là cãi cọ

thế là chiến tranh

đằng đẵng hàng nghìn năm

không phân thắng bại

tội này

thuộc về các giáo phái!

Và kết thúc chủ đề này:

* * *

Tôn giáo cần được dung hòa

Lẽ nào Thánh kinh không phôi pha?

Có một số bài thơ đề cập trực tiếp đến văn học thế giới, đến lĩnh vực khoa học, cả Việt Nam và quốc tế. Một trong số đó là bài tác giả phân tích tác phẩm thơ Wislawa Szymborska, chứng minh rằng, thống kê là biểu tượng mang tính nghệ thuật” ở nữ thi sĩ Ba Lan được trao Nobel Văn học. Trong loạt tác phẩm này, bài thơ gây ấn tượng mạnh trong tôi là tác phẩm viết về số phận bi kịch của nhà văn khác, cũng được trao Nobel văn học:

Tự sát, trường hợp Hemingway

Tự sát

có cơ chế di truyền

căn nguyên từ máu

 

viên đạn súng sưn sư tử

chính ông phát nổ

 

chết

ai cũng vậy thôi

bi kịch đời người

cần giải thoát

Trong bài thơ viết dưới nhan đề Thơ mang ít nhiều yếu tố lý luận thể loại, tác giả đề cập quá trình sáng tạo và tính chất dự báo của tác phẩm: “tôi đọc/bằng sự im lặng/ hết ngày này sang ngày khác/thơ trong đầu tôi/ có thể đã viết xong/ có thể là bản nháp/ có thể mấy câu rời rạc/ của tôi/ hoặc của người khác (…)/ nếu không có thơ thì tôi chết/ có, thì quá mệt/ tôi đã giải thoát”.

Trong một bài thơ khác, tác giả tâm sự: “tất cả không chú ý đến tôi/ con người có thói quen/ yên lặng/ nhìn bầu trời.

Quá trình đọc tập thơ làm nẩy sinh trong tôi sự tò mò, đúng hơn là cảm nhận sự khác biệt đến của người ở tại một đất nước xa xôi như tôi. Trong bài thơ có câu thơ lấy làm đầu đề cho phần Một tập thơ Tình yêu như quả bóng pha lê, được đặt vào sự so sánh, ở một ý nghĩa nào đó, lao động với… tình yêu! Liệu điều này có thể xảy ra trong văn học châu Âu nói chung và văn học Ba Lan nói riêng không? Tôi nghĩ rằng bài thơ đã mang đến cho người đọc châu Âu một vầng sáng, tuy còn lờ mờ, chứ chưa hẳn là luồng ánh sáng có mức độ chiếu rọi cao, giúp họ nhìn nhận ý nghĩa lớn lao của lao động động ở châu Á: ***/ Công việc như quả bóng cao su/ rơi xuống/ lại nẩy lên/ tình yêu như quả bóng thủy tinh/ trượt tay là vỡ.

Một số bài thơ tiếng Việt chắc chắn rất khó chuyển ngữ (chứ chưa nói là dịch thành thơ) sang tiếng Ba Lan với tất cả những chiều kích cơ bản. Để giữ được tầng nghĩa đầu tiên, trong bản dịch, tính năng động sẽ mất đi, sẽ thoát ra khỏi con suối tình cảm của người Việt; một số liên tưởng mang tính triết lý, tôn giáo tập quán, khí chất… làm nên cao điểm trữ tình chỉ có thể có trong nguyên bản. Chẳng hạn: * * */ Anh đau khổ, em chưa hề đau khổ/ ước gì ta trộn lẫn vào nhau/ để đến biển em dạn dày sóng gió/ để lòng anh vợi bớt nỗi u sầu. 

Hay bài thơ chứa đựng sự chân tình với con trai: * * */ Cha muốn con là người cẩn thận/ cha muốn con là người thẳng thắn/ cẩn thận còn ở đằng sau/ thẳng thắn cần hơn phải đặt lên đầu.

Và đây, thêm một ví dụ nữa, ví dụ cuối cùng: * * */ Thật khó nói trước lòng anh/ vì sự chân thành/ anh nói trước.

Việc dịch các bài thơ loại này đòi hỏi người dịch phải cố gắng ở mức cao nhất, chỉ cần coi nhẹ công việc mình làm hay “sáng tạo” tùy tiện hoặc lạm dụng chú thích ngoài văn bản, hiệu quả tiếp nhận ở bạn đọc sẽ giảm đáng kể.

Có thể có những bạn đọc Ba Lan như tôi sẽ lấy làm tiếc là Mai Quỳnh Nam đã đưa vào tập thơ những hồi ức khá đậm nét về cuộc chiến tranh chống Mỹ mà tác giả tham dự với tư cách người lính tại điểm nóng trên mặt trận phía Nam. Nhưng suy cho cùng tác giả hoàn toàn có quyền viết cả loạt bài miêu tả sự ác liệt của cuộc chiến tranh mà mấy chục năm sau đôi khi người đọc vẫn thấy lạnh xương sống khi đọc chúng. Chỉ có phóng đại quá mức cái ác thuần túy của chiến tranh mới làm nảy sinh trong lòng một bạn đọc như tôi sự kém nhiệt tình  đọc tác phẩm loại này. Vả lại khó làm khác được khi bi kịch của dân tộc Việt Nam và sự tham gia trực tiếp của tác giả vào các sự kiện nói trên đặt ra cho thi sĩ nhiệm vụ là đôi khi phải quay trở lại với sự khốc liệt của chiến tranh, với những gì kẻ thù đã gieo rắc trên đất nước của ông:

Màu trắng 

Người đàn bà vật vã trên bàn đẻ

căng hết sức mình

để trở thành người mẹ

 

bao lần bác sĩ gỡ ra từ thân thể chị

những mảnh vụn bom găm

vá lành vết bỏng na-pan

 

và bây giờ, sau cơn đau kinh hoàng của người vượt bể

anh nâng đỡ trên tay đứa bé

dị dạng hình người

không tiếng khóc

 

anh rụng rời

cắn chặt môi

ghìm nước mắt

 

như có loạt bom hắt tê tái vào mặt

màu trắng đục những cơn mưa hóa học.

Trong bất cứ trường hợp nào, sự khác biệt không có nghĩa là xa lạ. Tiếp nhận những nội dung đến từ một nơi xa xôi luôn làm phong phú bản thân mình, vì vậy cần nuôi hy vọng rằng thế giới của mọi sự sáng tạo sẽ đi theo con đường như vậy. Xin chân thành khuyến khích bạn đọc thưởng thức tập thơ này. 

Nguyễn Chí Thuật

Dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan

_______

* Mai Quỳnh Nam, Phía bên kia sự im lặng, bản dịch tiếng Ba Lan của Nguyễn Chí Thuật, với sự cộng tác của Kalina Izabela Zioła, Nxb G&P, Poznań 2020, 172 trang.

Nguồn Văn nghệ số 21/2021


 

 

Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

Copyright © 2011 Khối chuyên Toán-Tin Đại học Tổng hợp Hà Nội
Phone mobile: 0904070637 hoặc 0986838536
Email: lightsmok@gmail.com hoặc Yahoo Messenger: happidragon@yahoo.com