Người Việt ở Ba Lan "giữ lửa tình làng nghĩa
xóm" chống Covid-19
Trần Trọng Hùng
Viết cho BBC News Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan
Số ca nhiễm virus corona ở Ba Lan đến nay đã là hơn 27
ngàn và đang giữ ở mức mỗi ngày trung bình có từ 300 tới 400 ca nhiễm mới.
Người Việt ở Ba Lan có ca đầu tiên vào đầu tháng Ba, là
một sinh viên du học tại Anh quay trở về Ba Lan. Nhưng lây nhiễm trong cộng
đồng thực sự bắt đầu từ ngày 19/5/2020.
Cho đến nay đã ghi nhận 55 ca, chủ yếu ở Warsaw và khu vực
lân cận, thuộc các khu chợ của người Việt.
Người Việt tại đây đã có tâm lý lo lắng rằng sau Tết,
nguồn lây nhiễm mang dịch bệnh tới Ba Lan sẽ là từ Trung Quốc hoặc từ Việt Nam,
nên rất ý thức về nguy cơ dịch bệnh và cố gắng phòng tránh.
Cộng đồng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng
chống dịch bệnh, như phong trào may khẩu trang vải tặng các công sở, bệnh
viện trong giai đoạn đầu, nấu đồ ăn nóng cho các bệnh viện ở nhiều nơi trên
toàn Ba Lan trong hai tháng, hay gây quỹ mua tặng bệnh viện 4100 bộ xét
nghiệm virus corona và các dụng cụ y tế khác.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan rất tích cực ủng hộ các
bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19
Khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, giống như những quốc
gia khác ở Châu Âu, Ba Lan triển khai kích hoạt kinh tế trở lại từ đầu tháng
Năm.
Cuộc sống kinh doanh dần dần được hoạt động trở lại. Thế
nhưng, ngay lập tức đi kèm với các hoạt giao lưu trong nội bộ cộng đồng là ca
đầu tiên được phát hiện dương tính, từ đó kéo theo hàng loạt các ca khác.
Tinh thần cộng đồng
Khác với một số các nước khác, người Việt ở Ba Lan ngay
từ thời gian đầu đã nhanh chóng thành lập Ban Hỗ Trợ và Phòng chống Covid-19,
phối hợp với cơ quan dịch tễ Warsaw và ở các địa phương nơi có bệnh nhân người
Việt để hỗ trợ trong việc khám, cách ly và chữa bệnh.
Nhờ vậy, những người không biết tiếng Ba Lan vẫn được hỗ
trợ phiên dịch thông qua điện thoại, người bệnh nặng được giúp thu xếp đưa đi
cấp cứu kịp thời.
Trang báo cộng đồng Quê Việt cũng trở thành một kênh
thông tin tích cực, đăng tải, dịch và cập nhật liên tục các thông tin, bài
viết, chính sách chống dịch của giới chức sở tại.
Tôi thấy quả là may mắn khi bà con ta đã không bị nhiễm
virus trong giai đoạn đầu, khi toàn bộ nền y tế vốn cũng chưa được hiện đại của
Ba Lan đang phải gồng mình để chống dịch. Tới lúc ta 'dính' virus thì được chăm
sóc chu đáo, cho nên mọi người cảm thấy yên tâm hơn.
Người Ba Lan cũng quý người Việt, nên mặc dù bất đồng ngôn
ngữ không ai cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Sau 20 ngày đối diện thật sự với dịch bệnh, đã có bốn gia
đình hết cách ly quay trở lại làm việc. Ba bệnh nhân khỏi bệnh trong số 55 bệnh
nhân hiện tại. Tuy có một số tình huống nguy hiểm, nhưng không có một ca nào
được cho là nặng trong cộng đồng cho tới nay. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất 7 tháng
tuổi, cao tuổi nhất là 58 tuổi.
Không thể nói là đã dập được dịch trong cộng đồng, nhưng
cái 'hay' trong thời dịch bệnh này, theo tôi thấy, đó là tinh thần đùm bọc lẫn
nhau vốn có của bà con mình được phát huy triệt để.
Cái 'được' của dịch bệnh chính lại là sự đoàn kết đang
nhìn thấy trong công tác chống dịch, từ những việc lớn cho tới những việc nhỏ
nhặt mà trong cuộc sống bình thường trước đây có lẽ chẳng mấy ai để ý tới,
nhưng để làm được trong những ngày này là cả một sự cố gắng.
Chẳng hạn như các tình nguyện viên mỗi người mỗi việc, đã
hỗ trợ từ vật chất tới mua sắm nhu yếu phẩm, hỗ trợ suất ăn nóng cho người bệnh
và người cách ly không có điều kiện.
Cùng với việc phong tỏa trên toàn thế giới, biên giới của
Ba Lan đóng cửa tới giữa tháng Sáu. Sau đó theo đường bộ ở 37 cửa khẩu có thể đi
tới các nước EU.
Hiện tại đường hàng không vẫn chưa có những thông báo cụ
thể. Theo các thông tin trên báo chí thì đầu tháng Bảy mới bắt đầu có những
chuyến bay của một số hãng hàng không tới và từ Ba Lan.
Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan và cộng đồng đã phối hợp tổ
chức được hai chuyến hồi hương với tổng số gần 100 người, đó cũng là một nỗ lực
rất lớn trong điều kiện không có chuyến bay thương mại như hiện tại.
Kinh tế khó khăn
Người Việt sẽ là nhóm bị ảnh hưởng rất lớn.
Với những ngành hàng dịch vụ làm móng tay, ẩm thực, buôn
báo quần áo, giày dép hay kinh doanh nhà hàng khách sạn, không một ngành hàng
nào không chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong thời gian từ 13/3, khi Ba Lan tuyên bố tình trạng
dịch bệnh, cho tới 3/5, các hoạt động làm ăn buôn bán của bà con gần như đóng
băng. Chỉ còn một số người kinh doanh trên mạng là hoạt động tích cực.
Với chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nhà nước Ba Lan, các
doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ ít nhiều.
Tuy nhiên, người lao động không có hợp đồng là những người
chịu thiệt thòi nhất. Họ không có thu nhập, không được hỗ trợ, trong lúc vẫn
phải trang trải các chi phí cuộc sống.
Với các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà nước chỉ đủ để
duy trì nhân sự là chính trong một giai đoạn, phần còn lại còn chưa biết sẽ phải
đối diện với tác phong tiêu dùng thay đổi như thế nào.
Các nhóm tiên phong và hội doanh nghiệp cũng như Hiệp hội
Wólka Center ở khu trung tâm bán buôn lớn nhất của người Việt tại đây đang tìm
hướng chuyển sang các loại hình kinh doanh trên mạng.
Từ 30 năm qua, cái khó ló cái khôn, lúc khó khăn nhất sẽ
lại là lúc bật ra một sáng kiến còn đang trong trứng nước nào đó. Hy vọng bây
giờ cũng sẽ không ngoại lệ.
Niềm tin vốn có được củng cố sẽ là tiềm năng cho quan hệ
thương mại trong thập niên sắp tới, khi tin từ Việt Nam, Quốc hội thông qua hiệp
định thương mại tự do EVFTA.
Từ những tư duy buôn bán nhỏ lẻ rời rạc, hy vọng đây sẽ là
cơ hội cho một mối liên kết cộng đồng tạo nền tảng cho một trụ cầu thương mại
giữa Việt Nam và EU.
Xáo trộn cuộc sống
Người Ba Lan không phân biệt được người Việt với người
Trung Quốc. Không phải không có những câu chuyện về kỳ thị xảy ra trên phố tuy
truyền thông Ba Lan cực lực lên án những trường hợp hãn hữu như thế.
Một số người Việt đã bị gọi là "virus corona". Cũng may
mắn là không có một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Người Việt tại Ba Lan hoạt động kinh doanh tại một số
khu chợ được đánh giá là quy mô nhất của người Việt ở châu Âu
Khi xã hội hoàn toàn cách ly thì cuộc sống bị đảo lộn.
Công việc bị ngừng trệ do hầu hết bà con buôn bán và bị bắt buộc nghỉ làm. Trẻ
con chuyển sang học onine ở nhà, không vui chơi giải trí, không gặp gỡ tiếp xúc.
Sau một loại ca lây nhiễm trong nội bộ cộng đồng, bà con
càng chú ý cảnh giác hơn, mọi quan hệ sinh hoạt giao lưu chỉ còn giới hạn trong
những người trong gia đình.
Hiện tại khả năng xử lý của các cơ quan y tế và dịch tễ đã
trở nên hữu hiệu, bệnh viện không hề bị quá tải, khả năng xử lý nguy hiểm của
bệnh viện cũng tốt hơn vì đã có những phác đồ điều trị có hiệu quả.
Khó có thể tránh hoàn toàn được lây nhiễm. Rồi dần dần ta
cũng quen với các con số.
27 ngàn cũng chẳng còn là khủng khiếp nữa, khác hẳn với ba
tháng trước.
Vài người vào viện, rồi lại ra. Có người còn thậm chí
không kịp nhập viện.
Số ca tử vong đưa trên truyền thông giảm đi, lo ngại cũng
bớt dần đi.
Tất nhiên, chưa hẳn là ai cũng thấy thế ngay. Những người
có bệnh nền và cao tuổi vẫn có một phương án phòng chống luôn được khuyến cáo là
cách ly tuyệt đối.
Một buổi họp online hàng tuần của các thành viên Ban Hỗ
trợ và Phòng chống Covid-19 của Cộng đồng người Việt ở Ba Lan
Khác biệt của ta với các cộng đồng sắc dân khác là sự tổ
chức. Cộng đồng người Việt có Ban Hỗ trợ, Phòng chống Covid-19, mỗi tuần một
buổi họp mặt giao ban online, bàn bác và dự đoán những công việc cho tuần sắp
tới.
Mọi người phân công công việc và trao đổi qua nhóm trên
điện thoại hàng ngày. Nhận thức được rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài, Ban Hỗ trợ
lên kế hoạch dài hơi, giữ sức để ngọn lửa tình làng nghĩa xóm đến được với bà
con những người mang trong mình dòng máu Việt.
|