Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

 

 

NHỚ LẠI NĂM MƯƠI NĂM VỀ TRƯỚC – CHÚNG TÔI ĐẾN BA LAN HỌC TẬP

Nhân dịp về nước, phóng viên báo queviet.pl đã gặp Ông Hồ Chí Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan. Ông Hồ Chí Hưng (HCH) đã nhớ lại những kỷ niệm về thời gian 50 năm gắn bó với đất nước Ba Lan qua câu chuyện trao đổi với phóng viên queviet.pl. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Xin chào Anh Hưng, xin được gọi như vậy để câu chuyện của chúng ta thân tình và cởi mở, Anh Hưng sang Ba Lan năm nào và cơ duyên nào đưa anh đến đất nước Ba Lan?

HCH: Rất vui được gặp lại anh vào dịp mùa Thu Hà Nội, mùa Thu này gợi nhớ nhiều kỷ niệm của 50 năm trước, đó là mùa Thu năm 1965, chúng tôi khoảng hàng nghìn người được lựa chọn từ nhiều tỉnh, thành phố của Miền Bắc, học sinh các Trường của con em Miền Nam trên đất Bắc để ra nước ngoài học tập.

Chúng tôi tập trung tại ba địa điểm trước khi lên đường đó là Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Bách khoa và Trường đại học Kinh tế quốc dân. Trong tháng 8/1965 số lượng Lưu học sinh đi Trung Quốc rất đông, số còn lại sẽ đi các nước Đông Âu trong đó có Ba Lan. Ngày 30/8/1965, đoàn Lưu học sinh và Nghiên cứu sinh khoảng 500 người đi Đông Âu xuất phát từ Ga Hàng Cỏ Hà Nội. Đoàn Ba Lan có 120 người gồm nhiều thành phần như cán bộ, công nhân, học sinh Trường Trung cấp Hàng Hải và chúng tôi mới tốt nghiệp phổ thông hệ 10/10.

Chúng tôi không được biết trước mình sẽ đi học ở nước nào mà phụ thuộc vào sự phân công của Nhà nước trực tiếp là Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ. Vào thời gian đó đất nước đang có chiến tranh, lớp lớp thanh niên lên đường ra mặt trận, chúng tôi được Nhà nước lựa chọn đi học nước ngoài là một vinh dự rất lớn. Vì vậy ai cũng phấn khởi, ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, không hề suy nghĩ lựa chọn ngành nghề hay về một đất nước mà mình sẽ đến để học tập. Được đi Ba Lan, chúng tôi cũng rất vui vì Ba Lan tuy chưa biết nhiều về nước bạn nhưng qua bài thơ “Em ơi! Ba Lan mùa tuyết tan” của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ đã khái quát khá đầy đủ về đất nước, lịch sử, con người Ba Lan do vậy chúng tôi cũng hình dung phần nào đất nước mà mình sẽ đến sống và học tập. Ngày ấy chúng tôi đi tàu hỏa liên vận quốc tế. Đầu tiên là tàu Việt Nam đưa chúng tôi đến Bằng Tường, Trung Quốc. Sau đó chuyển sang tàu Trung Quốc đi xuyên lục địa qua Vũ Hán, Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thiên Tân, Trường Xuân, Mãn Châu Lý đến biên giới Trung – Xô qua ga Zabaican, chuyển sang tàu Liên Xô và xuyên Siberi mênh mông đến Mátxơcva vào chiều ngày 9/9/1965.

 

Sau hai ngày nghỉ ngơi tại Mátxcơva, các đoàn chia tay nhau đi mọi ngả của Đông Âu, sang Tiệp Khắc, Hungary, Rumani, Bungary và đoàn chúng tôi sang Ba Lan. Sáng 11/09/1965 tàu hỏa đưa chúng tôi đến Thủ đô Warszawa. Hôm đó trời se lạnh, mưa nhỏ. Tôi còn nhớ ra ga đón chúng tôi có các anh Nguyễn Văn Thái, Lê Bá Thự, Phan Xinh đang học ở Đại học Bách khoa Warszawa và Anh Nguyễn Trọng Hoàn, Bí thư Đại sứ quán phụ trách Lưu học sinh. Sau một ngày nghỉ ngơi ở Thủ đô Warszawa, chúng tôi được tách ra ba đoàn đi đến thành phố Lódz, Wroclaw và Kraków để học một khóa tiếng Ba Lan trước khi vào học đại học. Cũng cần nói thêm là trước đó từ năm 1955, Ba Lan đã đón những đoàn Lưu học sinh đầu tiên đến từ Việt Nam nhưng mỗi đoàn chỉ có khoảng 20 – 25 người. Đoàn chúng tôi năm ấy có 120 người vì vậy Trường dạy tiếng Ba Lan cho người nước ngoài tại thành phố Lódz không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận số lượng sinh viên đông đảo đến từ Việt Nam. Họ chỉ nhận có 20 người, vì vậy Bộ Đại học Ba Lan đã tổ chức thêm hai Trung tâm dạy tiếng Ba Lan cho sinh viên Việt Nam tại thành phố Kraków và thành phố Wroclaw.

 

Từ tháng 10/1965 đến tháng 6/1966 chúng tôi học tiếng Ba Lan, sau khi thi kết thúc khóa học dự bị, Đại sứ quán phân công ngành học và chúng tôi tỏa đi các thành phố của Ba Lan như Warszawa, Gdansk, Sopot, Gdynia, Poznan, Wroclaw, Kraków để vào các trường đại học. Kể từ đó, chúng tôi gắn bó với đất nước Ba Lan thanh bình, tươi đẹp với những người dân giàu lòng nhân ái và mến khách.

PV: Trong những năm học đại học chắc chắn anh có nhiều kỷ niệm sâu sắc về đất nước và con người Ba Lan?

HCH: Tôi được phân công ở lại Kraków học ngành Máy Mỏ tại Học Viện Mỏ - Luyện kim AGH Kraków. Thành phố Kraków là kinh đô xưa của Ba Lan. Thành phố không rộng nhưng có nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng như Cung điện Wawel, Nhà thờ Mariacki, Khu Chợ trung tâm Sukienice, Pháo đài Barbakan, những dãy phố cổ với các trường phái kiến trúc đặc trưng của Châu Âu, những con đường lát đá in dấu thời gian…, dòng sông Wisla thơ mộng chảy qua và nhiều cây xanh bao bọc thành phố. Kraków đẹp và thanh bình với ngôi vị là thành phố có số lượng trường đại học đứng thứ hai sau thủ đô Warszawa. Tại thành phố này có Trường đại học tổng hợp Jagiellonski nổi tiếng Châu Âu đến nay đã có 700 năm tuổi, nơi Nhà thiên văn học nổi tiếng Mikolaj Kopernik và sau này Giáo hoàng Jan Pawel II đã theo học… Thành phố còn có Học Viện Mỏ – Luyện kim AGH thành lập năm 1919, đây là lò đào tạo nhiều nhà khoa học, kỹ sư lành nghề cho ngành khai thác mỏ, địa chất và luyện kim… của Ba Lan, là trường đại học công lập đứng hàng đầu trong số các trường đại học kỹ thuật của Ba Lan.

 

Chương trình học của chúng tôi kéo dài 5,5 năm gọi chương trình Thạc sĩ – Kỹ sư. Chúng tôi cùng học với sinh viên Ba Lan và cũng có một số bạn nước ngoài cùng theo học. Những năm đó ở Ba Lan đời sống chưa phải là sung túc nhưng người dân được cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu về lương thực, hàng hóa, chăm sóc y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, ... Chúng tôi được sống trong tình thương yêu, sự giúp đỡ thân thiện, chân thành của lãnh đạo, của các giáo sư, cán bộ công nhân viên nhà trường, bè bạn Ba Lan cùng học và của những người dân Ba Lan ở mọi tầng lớp.

 

Ngoài thời gian học, chúng tôi tham gia sinh hoạt ngoại khóa do Hội sinh viên trường và Hội sinh viên quốc tế tổ chức.  Ở Ba Lan trong năm có rất nhiều lễ hội, vui nhất là Lễ hội hóa trang Juvenalia vào tháng 5 của sinh viên. Chúng tôi cũng thường xuyên được mời tới các trường học, nhà máy, câu lạc bộ hưu trí… của Ba Lan để tiếp xúc với các em học sinh, với các tầng lớp nhân dân Ba Lan. Trong những buổi gặp mặt thân tình, hữu nghị đó chúng tôi thấy các em học sinh và người dân Ba Lan rất quan tâm đến tình hình chiến tranh ở Việt Nam, biểu lộ sự cảm thông, tình đoàn kết, hữu nghị và ủng hộ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược. Đặc biệt là những người cao tuổi đã trải qua những đau thương mất mát lớn lao trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai mà Ba Lan là nước bị tàn phá nặng nề và hàng triệu dân thường bị tàn sát, giết hại… Báo chí, đài phát thanh, Vô tuyến truyền hình Ba Lan hàng ngày đưa tin chiến sự ở Việt Nam. Do vậy tuy xa Tổ quốc nhưng chúng tôi vẫn biết được tình hình trên chiến trường Miền Nam và chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ trên Miền Bắc. Thời kỳ đó có nhiều nhà văn, nhà báo Ba Lan sang Việt Nam để viết bài, đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam. Điển hình nhất là nữ nhà báo Monika Warnenska, mà chúng ta thường gọi là Chị Ba, đã nhiều lần sang Việt Nam. Có lần Bà đã đóng giả nhà báo Pháp vào tận Sài Gòn để lấy tư liệu, để viết nhiều bài báo, phóng sự và tác phẩm khác nhau về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân Ba Lan và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam chống ngoại xâm.

Chúng tôi nhớ những kỳ thực tập địa hình, được đến nhiều vùng đất của Ba Lan và thấy cảnh sắc Ba Lan thật là tươi đẹp nhất là vùng núi phía Nam. Sau những ngày đông băng giá, vào đầu tháng Tư mùa Xuân ập đến đem nắng ấm, mầm xanh, hoa cỏ tràn ngập khắp mọi nơi. Mùa hè nắng vàng với bầu trời xanh ngắt, mùa thu với sắc vàng, lá đỏ, se lạnh, mùa đông tuyết phủ trắng cánh đồng, rừng cây… Cho đến bây giờ, chúng tôi không thể nào quên được cảnh sắc bốn mùa tuyệt vời  ở Ba Lan.

Chúng tôi ghi nhớ trong trái tim mình tình đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân Ba Lan đối với nhân dân Việt Nam với lòng biết ơn sâu sắc. Tôi nghĩ rằng chúng ta khó có thể đền đáp lại sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của Chính phủ và nhân dân Ba Lan đối với nhân dân Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt.

Mỗi chúng tôi đều cho rằng quãng thời gian của tuổi trẻ được sống trên đất nước Ba Lan, được các trường đại học Ba Lan đào tạo trở thành người có kiến thức khoa học – kỹ thuật là thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Những kỷ niệm về một đất nước thanh bình, tươi đẹp, về tấm lòng nhân ái, cởi mở, phong cách sống văn hóa, lịch sự, văn minh của người dân Ba Lan và các cô gái Ba Lan xinh đẹp (cười)  mãi mãi đọng lại trong tâm trí những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh chúng tôi.

PV: Anh có thể cho biết một số nét về hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan

HCH: Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan thành lập năm 1982, hoạt động của Hội trong khuôn khổ hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trong hơn 30 năm vừa qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động phong phú góp phần tích cực vào sự nghiệp củng cố, phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan. Có thể kể ra đây một số hoạt động chính của Hội như tham gia đón tiếp và tổ chức gặp mặt chào đón Tổng thống Ba Lan Ngài A. Kwasniewski và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước Ba Lan vào năm 1999, tổ chức gặp mặt chào mừng Ngài Thủ tướng Ba Lan D. Tusk vào năm 2009. Chúng tôi cũng tham gia đón tiếp nhiều đoàn cấp cao của Quốc hội, Chính phủ Ba Lan, Đảng phái chính trị Ba Lan… Những năm gần đây, chúng tôi tham gia đón tiếp và giúp đỡ các đoàn của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp Ba Lan sang Việt Nam tổ chức các Diễn đàn kinh tế Ba Lan – Việt Nam, tham quan, tìm hiểu thị trường Việt Nam, trao đổi với các đối tác Việt Nam về cơ hội đầu tư, giao thương hàng hóa, chuyển giao công nghệ… Những buổi gặp mặt nồng nhiệt của tập thể Hội viên hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan với Nguyên thủ Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Ba Lan và các đoàn cấp cao Ba Lan… sang thăm Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn Ba Lan về tình cảm hữu nghị, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của chúng ta đối với nhân dân Ba Lan đã luôn đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Chúng tôi có mối liên hệ thường xuyên trong hoạt động phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam như tham gia các sự kiện nhân dịp các ngày lễ lớn của Ba Lan do Đại sứ quán Ba Lan tổ chức tại Hà Nội. Giúp đỡ Đại sứ quán tổ chức các sự kiện văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực Ba Lan ở Việt Nam, tổ chức các chuyến đi đến các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Cạn, Điện Biên, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bình Dương, Bắc Ninh… cho Đại sứ và các cán bộ Đại sứ quán Ba Lan tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, thắng cảnh và tiếp xúc với lãnh đạo địa phương nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2015 này, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng tôi cũng tổ chức một số hoạt động hữu nghị, đặc biệt là “Đêm văn học Việt Nam – Ba Lan”. Tại buổi giao lưu đó các hội viên của Hội đã trình bày một số bài hát truyền thống của Ba Lan và Việt Nam. Nhà thơ Tạ Minh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Bà Barbara Szymanowska, Đại sứ Ba Lan đã cùng đọc hai bài thơ về Việt Nam của Nữ sĩ Ba Lan W. Symborska, giải thưởng Nobel danh giá về văn học, các nhà thơ Bằng Việt, Anh Ngọc và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và một số tác giả khác đã trình bày các bài thơ về Ba Lan và những cảm xúc sâu sắc của mình về đất nước và con người Ba  Lan. Có thể nói “Đêm văn học Việt Nam – Ba Lan”  là điểm nhấn nổi bật trong hoạt động hữu nghị của Hội trong năm 2015.

Hội còn là đầu mối giúp một số trường đại học Ba Lan tổ chức hội thảo du học Ba Lan nhằm giới thiệu tiềm năng giáo dục đại học của Ba Lan tới xã hội Việt Nam. Kết quả là trong vài năm gần đây đã có nhiều thanh niên Việt Nam đến Ba Lan du học với chương trình học bổng của Chính phủ Ba Lan và du học theo cơ chế tự trang trải kinh phí học tập tại nước bạn.

Hàng năm, Hội tổ chức giao lưu gặp mặt với các thế hệ cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, những người Việt Nam đã sinh sống, làm việc, hoạt động kinh tế tại Ba Lan. Những buổi giao lưu gặp mặt đó luôn có Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán Ba Lan tham dự cùng với hàng trăm người đến từ mọi miền của đất nước chung vui trong không khí cảm động, thân ái và cũng là dịp mọi người gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm về quãng thời gian sống tại Ba Lan, thông tin cho nhau về gia đình và cuộc sống hiện tại…

 

Những năm gần đây, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo anh chị em cựu sinh viên muốn trở lại thăm đất nước Ba Lan, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Hội đã tổ chức một số đoàn Hội viên sang thăm lại Ba Lan, thăm lại trường đại học nơi đã từng du học, gặp gỡ lại Thầy, Cô giáo, bạn bè Ba Lan…

Chúng tôi cũng có mối quan hệ mật thiết với Hội Người Việt Nam tại Ba Lan trong một số hoạt động phối hợp và luôn trao đổi thông tin cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Mỗi lần lãnh đạo của Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan hay đoàn cựu sinh viên sang thăm Ba Lan luôn được các anh, chị lãnh đạo Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đón tiếp thân tình, giúp đỡ hết lòng trong thời gian các đoàn lưu lại Ba Lan. Chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình làm ăn, sinh sống của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan thông qua Trang tin queviet.pl. Chúng tôi chia sẻ với với bà con, anh chị em bè bạn ở Ba Lan đang khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn để mưu sinh và hướng về Tổ quốc. Đặc biệt rất ấn tượng và trân trọng những hoạt động của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cùng các Hội Đoàn ở Ba Lan đã và đang làm cho cuộc sống của cộng đồng Người Việt tại Ba Lan hòa nhập với xã hội Ba Lan và luôn nhớ về cội nguồn.

 

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan kính chúc Cộng đồng Người Việt Nam tại Ba Lan hòa nhập, phát triển, may mắn và hạnh phúc. Chúc cho queviet.pl ngày càng có nhiều tin, bài phong phú thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của bạn đọc xa gần.

PV: Xin cám ơn anh Hồ Chí Hưng về buổi trò chuyện.

Tin từ Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan

 

Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

Copyright © 2011 Album Tổng hợp của Khối chuyên Toán-Tin Đại học Tổng hợp Hà Nội
Phone mobile: 0904070637 hoặc 0986838536
Email: lightsmok@gmail.com hoặc Yahoo Messenger: happidragon@yahoo.com