Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

 

 

TẢN MẠN CHUYỆN 52 NĂM TRƯỚC...

Tác giả bài viết - ông Hồ Chí Hưng, tháng 10/1965 

 

Và sau 50 năm, tác giả (giữa) trở lại Kraków nhận Danh hiệu "Lãnh sự danh dự " do Học Viện AGH trao tặng

Tập trung đi học nước ngoài

Vào khoảng nửa cuối tháng 7 năm1965, tôi nhận được thông báo của Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục (thời ấy) thông báo được cử đi học nước ngoài, chiều ngày 24 tháng 7 năm 1965 chúng tôi tập trung tại Trường cấp 2 Ngô Sĩ Liên, phố Hàm Long, Hà Nội để làm các thủ tục ban đầu và sau đó hành quân dưới trời mưa như trút nước dọc theo phố Huế qua phố Bà Triệu đến Trường Đại học bách khoa cạnh đường Đại Cồ Việt. Chúng tôi được biên chế thành từng tổ khoảng 12 – 15 người một tổ, hầu hết là học sinh từ nhiều tỉnh của miền Bắc, số học sinh Hà Nội rất ít ỏi nhưng trong tổ còn có các anh lớn tuổi đã kinh qua công tác cũng được cử đi học. Năm ấy, Lưu học sinh đi học nước ngoài tập trung tại 3 địa điểm là Trường Đại học sư phạm ở Cầu Giấy, Đại học bách khoa và Đại học kinh tế - kế hoạch ( Đại học kinh tế quốc dân hiện nay), hai trường này gần nhau ở khu vực Bạch Mai, Hà Nội.

Số lượng học sinh được cử đi học nước ngoài tập trung tại 3 địa điểm dễ đến gần 3000 người. Lớp học chính trị tại Đại học bách khoa có khoảng 1000 người, tại đây hàng ngày chúng tôi lên lớp nghe giảng các bài về tình hình chính trị trong và ngoài nước, về cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trách nhiệm của người đi học nước ngoài, các nội quy, quy chế đối với Lưu học sinh và nghe báo cáo ngoại khóa của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Ban Tuyên giáo TƯ...Buổi sáng lên hội trường lớn của Đại học bách khoa nghe giảng, buổi chiều thảo luận tổ rất hăng say, cuối đợt học chính trị viết thu hoạch. Ai nấy đều nghiêm túc thực hiện nội quy lớp học, ở ngay Hà Nội mà số anh em có gia đình ngoài phố cũng không một ai dám xin phép về thăm nhà. Lớp học kéo dài đến khoảng giữa tháng 8 năm 1965, số đông Lưu học sinh lần lượt được gọi lên Ban Chỉ đạo lớp học để nhận hộ chiếu, trang phục và lên đường. Những đoàn đầu tiên đi Trung Quốc, đi Triều Tiên, số học sinh tập trung học chính trị tại 3 địa điểm cứ vơi dần...Mấy anh em chúng tôi chưa được gọi không khỏi lo lắng vì đã có một số bạn được gọi lên Ban Chỉ đạo nhận giấy báo học đại học trong nước. Tổ chúng tôi từ 15 người chỉ còn lại 5 người chưa biết có được gọi đi học hay không? Ngày ngày, nằm dài trong phòng của Ký túc xá B7  Khoa Xây dựng, đến bữa đến nhà bếp ăn cơm ( thực ra là mỗi người được một chiếc bánh mỳ ăn với canh bí ngô ) và lại quay về phòng trong tâm trạng thấp thỏm. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã leo thang ra miền Bắc, hàng ngày qua báo, đài chúng tôi biết được tình hình chiến sự trên chiến trường miền Nam và một số thành phố, địa phương trên miền Bắc đã bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá. Không ai bảo ai nhưng đều chung suy nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ ở lại và lên đường tham gia quân đội vào chiến trường chiến đấu.

Rồi buổi sáng hôm đó, tôi còn nhớ như in vào buổi sáng ngày 26 tháng 8 năm 1965, đang ngồi tụm lại trao đổi với nhau về việc đi hay ở lại thì trên loa truyền thanh gắn trong phòng vang lên thông báo của Ban Chỉ đạo mời những người có tên lên hội trường 250 gặp Ban Chỉ đạo. Ai nấy đều trong tâm trạng thấp thỏm, không biết chuyện gì sẽ đến với mình? Chúng tôi có mặt và được thông báo là sẽ đi Đông Âu học đại học. Những khuôn mặt đầy lo âu đã bừng lên niềm vui sướng, các chú trong Ban Chỉ đạo đọc danh sách Lưu học sinh đi Tiệp Khắc (cũ) , Rumani, Ba Lan, Bungari, Hungary, Anbani. Tôi và một số anh em khác được đi Ba Lan, Đoàn đi Ba Lan năm 1965 gồm 120 người là những Lưu học sinh tập trung học chính trị ở Đại học sư phạm, Đại học bách khoa và Đại học kinh tế - kế hoạch, trong đoàn có đến gần 20 anh đang học trung cấp hàng hải tại Hải Phòng. Sau khi nhận hộ chiếu, hành lý gồm vali, một bộ comple, sơ mi, bộ quần áo ngủ, đôi giày da...chúng tôi được phép về thăm nhà và quay lại tập trung vào ngày 29 tháng 8 năm 1965.

Hành trình từ Hà Nội đến Warszawa

Sau khi được phép về thăm nhà vài ngày, chúng tôi tập trung lại chờ ngày lên đường, khó diễn tả niềm vui, niềm tự hào của mình và gia đình khi được nhà nước cử đi học nước ngoài nhưng cũng có tâm trạng xao xuyến đối với bạn bè, gia đình là những người ở lại trong nước khi mà cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt ở trên chiến trường miền Nam và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang leo thang ra miền Bắc.

Sáng 31 tháng 8 năm 1965, các tổ Lưu học sinh tâp trung tại Trường đại học kinh tế - kế hoạch để chuẩn bị lên đường. Ai nấy đã quần áo chỉnh tề, hồi hộp và xao xuyến, các bạn ở xa vội vã viết thư gửi về người thân. Khoảng 15 giờ, chúng tôi đến Ga Hàng Cỏ để chuẩn bị lên tàu hỏa liên vận đi Đông Âu. Ga Hàng Cỏ hôm ấy đông nghẹt người tiễn đưa, không chỉ người có gia đình ở Hà Nội mà gia đình ở các tỉnh lân cận cũng về Hà Nội tiễn đưa con em mình.

Đoàn đi Đông Âu năm đó có gần 500 người là Lưu học sinh và Nghiên cứu sinh. Chiều muộn, tàu liên vận chuyển bánh đưa đoàn rời ga Hàng Cỏ, chúng tôi thò đầu qua cửa sổ vẫy chào tạm biệt người thân, dưới sân ga người ở lại cũng lưu luyến vẫy theo, những giọt lệ đọng trên khóe mắt của những bà mẹ tiễn con đi với lời gửi gắm: Con đi mạnh khỏe nhé! Gắng học giỏi! Tàu chạy qua cầu Long Biên và xuyên màn đêm đến Đồng Đăng, sáng sớm hôm sau tàu đến Ga Bằng Tường của Trung Quốc. Sân ga Bằng Tường náo nhiệt tiếng trống chiêng, biểu ngữ chào mừng...vang vọng từ loa truyền thanh những bài hát tiếng Hoa với âm điệu lảnh lót, vui tai. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi chuyển lên tàu Trung Quốc, tàu hỏa của Trung Quốc chạy trên đường ray lớn theo chuẩn quốc tế (1435mm), mỗi toa có các khoang giường nằm cho 6 hành khách. Sau một đêm mệt mỏi, thiếu ngủ vì xao xuyến với bao cảm xúc vui buồn, bữa sáng đầu tiên ngon lành trên tàu Trung Quốc đã làm cho mọi người tỉnh táo và khỏe hẳn. Tàu Trung Quốc to, sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo...mọi yêu cầu về nước sôi, trà thơm để uống đều được nhanh chóng đáp ứng. Các bữa cơm trưa, cơm tối trên tàu đối với chúng tôi là những bữa tiệc lớn với nhiều món ăn phong phú, thơm ngon, nóng hổi...Vì chưa biết cách phục vụ của người Trung Quốc nên nhiều anh đã ăn no mấy món đầu khi những món tiếp theo ngon hơn được đưa tiếp lên thì bụng đã căng tròn đành ngồi nhìn tiếc nuối. Những năm ấy người mình thiếu ăn vô cùng nên chỉ sau mấy ngày đi trên tàu Trung Quốc mà sắc mặt ai nấy đều thay đổi, hồng hào trông thấy. Tàu chaỵ qua đất Trung quốc khoảng 4 ngày qua Vũ Hán, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thẩm Dương, Trường Xuân đến Mãn Châu Lý là ga cuối cùng trên đất Trung Quốc.

Chúng tôi chuyển sang tàu Liên Xô (cũ) tại ga Zabaican. Thời tiết miền biên giới Trung – Xô  vào tháng 9 đã se lạnh, nhìn qua cửa sổ thấy ga rộng lớn, tàu chạy ra vào ngược xuôi, khách lên xuống đông đúc hối hả...Đi trên tàu hỏa Liên Xô có hơi khác so với tàu Trung Quốc chủ yếu là cách phục vụ của nhân viên và các món ăn. Bữa ăn chính theo cách Châu Âu chỉ có 3 là món súp, món chính, xalat và nước quả, thực đơn không phong phú như trên tàu Trung Quốc. Mấy anh em đã học tiếng Nga từ trường phổ thông có dịp trau dồi ngôn ngữ với nhân viên phục vụ trên tàu. Đâu đó trong các toa râm ran „ Giơratvuichia! Xơpaxibơ! „‘ rôm rả. Mấy anh người Nghệ An nghịch ngợm trêu nhau: Xin bà chi bây ( Xơpaxibơ) ? Ý muốn hỏi cám ơn tiếng Nga nói thế nào? Tàu chạy xuyên Siberi, qua rừng taiga, qua hồ Baican mênh mông như biển, nhìn qua cửa sổ lần đầu tiên tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ thấp thoáng trong rừng thông, rồi rừng bạch dương, rừng phong, rừng sồi lá đã ngả màu vàng đỏ bạt ngàn...chúng tôi tưởng như mình trong mơ. Chiều ngày 9/9/1965 đoàn tàu đã đưa chúng tôi đến nhà ga chính ở thủ đô Matscơva, trên sân ga các bạn thanh niên Liên Xô nồng nhiệt chào đón chúng tôi tuy không náo nhiệt như ở Trung Quốc nhưng cũng rất thân tình và hữu nghị. Đại sứ quán của Việt Nam tại Matscơva đã cử nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tại đây ra sân ga giúp đỡ các đoàn về khách sạn Antai để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình tỏa về các nước Đông Âu. Tranh thủ hai ngày lưu lại Matscơva, chúng tôi từng tốp, từng tốp đi ra Hồng trường (Quảng trường Đỏ) xếp hàng vào Lăng viếng Lênin, chụp ảnh lưu niệm trước Hồng trường và tham quan hai cửa hàng bách hóa GYM và CYM... Trong túi rủng rỉnh mấy đòng Rúp được cấp, mỗi người ai nấy đều mua một vài thứ kỷ niệm tại đây như nước hoa, dao cạo râu, vài hộp sữa, bánh kẹo, bao thuốc lá...

Chiều ngày 10 tháng 9 năm 1965, đoàn lên tàu tại ga Belaruxi đi Ba Lan, tàu dừng lại ga Brest là  nhà ga biên giới giữa Ba Lan và Liên Xô để thay bộ gầm tàu hỏa cho phù hợp với đường ray của Ba Lan (đường ray tàu hỏa Liên Xô có khổ lớn hơn so với đường ray của đường sắt Ba Lan), sau này mới biết có sự khác nhau về khổ đường ray cũng là vì mục đích quốc phòng. Tại ga Brest các sĩ quan biên phòng Ba Lan mặc quân phục khác với sĩ quan biên phòng Liên Xô niềm nở chào đón chúng tôi, họ bập bẹ Wietnam? Wietnam? với những nụ cười thân thiện. Tàu chạy tiếp vào sâu lãnh thổ Ba Lan và dừng tại ga Đông Warszawa ( Warszawa Wschodnia ) vào trưa ngày 11 tháng 9 năm 1965. Ra đón chúng tôi tại sân ga có anh Nguyễn Trọng Hoàn, Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan phụ trách Lưu học sinh, các anh cũ năm trước đang học đại học tại Warszawa, tôi còn nhớ có anh Lê Bá Thự, anh Nguyễn Văn Thái, Anh Phan Xinh...ra đón chúng tôi. Hôm đó trời mưa nhỏ và có gió nhẹ, lạnh nhưng ai nấy đều rất vui sướng vì được đặt chân lên đất nước của „ rừng bách dương sương trắng nắng tràn – Tố Hữu”, của Nhạc sĩ thiên tài F. Chopin, của Nhà Thiên văn học M. Kopecnic nổi tiếng thế giới...Sau một đêm nghỉ ngơi tại thủ đô Warszawa, đoàn chúng tôi được chia ra thành 3 đoàn nhỏ về thành phố Kraków, Wrocław và thành phố Łódź để học tiếng Ba Lan trước khi vào đại học.

Năm học tiếng Ba Lan 1965 – 1966

Tôi được phân về Kraków để học tiếng Ba Lan tại Trường đại học tổng hợp Jagiellonski –  Trường là một trong những Trường đại học lâu đời nhất ở Châu Âu thành lập năm 1364. Cũng cần nói thêm là vào năm 1965, Chính phủ Ba Lan nhận 120 sinh viên Việt Nam để đào tạo tại các trường đại học, do số lượng nhiều nên Bộ Đại học Ba Lan đã quyết định mở thêm 2 Trung tâm dạy tiếng Ba Lan tại Kraków và Wrocław. Tại thành phố Łódź có Trung tâm dạy tiếng Ba Lan cho người nước ngoài đã thành lập từ lâu chỉ tiếp nhận 20 sinh viên Việt Nam của đoàn khóa 1965 vì bạn còn tiếp nhận nhiều sinh viên từ Châu Á, Châu Phi, các nước của thế giới Ả Rập và Châu Mỹ Latin...đến thành phố Łódź học tiếng Ba Lan.

Chúng tôi được chia ra thành 4 lớp, mỗi lớp có học sinh phổ thông và cán bộ đi học xen kẽ nhau, tuổi đời 18, đôi mươi, các anh cán bộ đi học thì có anh xấp xỉ 30 tuổi. Nhớ lại năm học tiếng 52 năm trước đây, chúng tôi thấy tự hào là chỉ trong vòng 9 tháng từ đầu tháng 10/1965 đến tháng 6/1966 anh em chúng tôi đã nỗ lực học tập từ chỗ không ai biết một câu nói, chữ viết nào trong tiếng Ba Lan đến khi kết thúc khóa học hầu như ai cũng đã nói suôn sẻ những câu đơn giản trong giao tiếp, cầm tờ báo Diễn đàn Nhân dân ( Trybuna Ludu) cũng đọc được tin và hiểu về tình hình chiến sự ở Việt Nam đang xảy ra và có một số anh giỏi hơn đã có thể nói lưu loát trong giao tiếp hàng ngày với thầy giáo và người Ba Lan. Nhớ lại những bài học đầu tiên khi mà thầy không biết tiếng Việt, trò không biết tiếng Ba Lan, thầy và trò đánh vật với từng con chữ, cách phát âm mới thấy sự nỗ lực của thầy và trò. Những người thầy, cô Ba Lan năm ấy vô cùng nhiệt tình, trách nhiệm cao, tốt bụng, tất cả vì sinh viên Việt Nam, họ cũng rất trẻ chỉ hơn chúng tôi nhiều nhất là 5 tuổi đời. Giờ đây, khi viết lại những dòng này, tôi bồi hồi nhớ lại gương mặt của các thầy, cô đã dạy tiếng Ba Lan, dạy Toán, Vật lý, Hóa học bằng tiếng Ba Lan cho chúng tôi...Nay, người còn sống, người đã mất nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình chúng tôi luôn nhớ về họ với lòng biết ơn sâu sắc vì nếu không có những người thầy giáo, cô giáo Ba Lan dạy dỗ, động viên, dìu dắt chúng tôi trong năm học tiếng thì làm sao chúng tôi có thể theo đuổi được 5 đến 6 năm học đại học và tốt nghiệp tại các trường đại học Ba Lan đáp ứng lòng mong mỏi của Nhà nước, gia đình khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi trước khi lên đường đến Ba Lan học tập.

Có nhiều chuyện vui trong quá trình học tiếng Ba Lan năm ấy, các anh năm trước thường dặn chúng tôi là người Ba Lan rất lịch sự, câu cửa miệng là xin lỗi và cám ơn vậy nên các bạn phải nhớ để thể hiện người Viêt ta cũng lịch sự không kém họ. Chuyện là thế này, trên mỗi tầng nhà sinh viên có khu vệ sinh, trước cửa phòng vệ sinh nữ có dấu vòng tròn còn phòng vệ sinh nam thì có hình tam giác. Anh ĐNC lớp tôi là cán bộ đi học đã có vợ con ở nhà, một hôm đi vào nhà vệ sinh, không hiểu thế nào lại mở cửa vào phòng vệ sinh nữ, anh giật mình vội quay ra nhưng nhớ là mình có lỗi thì phải xin lỗi và anh lại lật đật quay lại mở cửa phòng vệ sinh nữ hướng vào cô gái đang ở trong đó lắp bắp: „ Przepraszam Pani!”. Chuyện trên tàu điện chẳng may giẫm lên chân người khách Ba Lan đứng cạnh thay vì Xin lỗi (Przepraszam) thì lại buột miệng Dziękuję (Cám ơn), chuyện lầm lẫn từ (slowo) cũng thường xuyên, đi mua đường (cukier) thì vào cửa hàng lại dõng dạc đề nghị bà bán hàng bán cho tôi một kg Con gái (córka). Người Ba Lan vốn tốt bụng và cũng rất nhiệt tình nên những trường hợp đó họ cười vui và còn tận tình hướng dẫn lại cách nói, cách phát âm cho đúng....và còn muôn vàn chuyện thật như đùa của anh em chúng tôi trong năm học tiếng đáng nhớ ở cố đô Kraków.

Quãng thời gian 52 năm là nửa đời của một con người nếu Giời cho thọ đến 100 tuổi, mùa thu tháng 8 năm nay lại đến, tôi cũng đã qua tuổi 70 và như số đông ở tuổi này, tôi luôn hoài niệm về những năm tháng đã qua trong đó có quãng thời gian một năm học tiếng  Ba Lan và gần 6 năm học đại học tại thành phố Kraków cổ kính. Những kỷ niệm cứ ùa về và trong tôi hiện lên như một cuốn phim về buổi lên đường sang nước bạn học tập, những ngày tháng miệt mài đèn sách trên đất nước Ba Lan...

Nhớ và biết ơn những thầy, cô giáo Ba Lan đã dạy tôi những tiếng Ba Lan đầu tiên, nhớ và biết ơn Học Viện Mỏ - Luyện kim AGH Kraków đã đào tạo tôi trở thành người có kiến thức. Nhớ và biết ơn nhân dân Ba Lan đã dang rộng cánh tay đùm bọc, nuôi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh để chúng tôi được học tập, nghiên cứu trong những điều kiện tốt nhất tại các trường đại học của đất nước Ba Lan.

Cám ơn Người! Ba Lan yêu quý!

Dziękuję Tobie! Ukochana Polsko!

Hồ Chí Hưng - Cựu sinh viên khóa 1965

 

Trang đầu | Giới thiệu | Lịch sử | Album Pictures | Album Videos | Album Audios | Giải trí | Liên kết khác

Copyright © 2011 Khối chuyên Toán-Tin Đại học Tổng hợp Hà Nội
Phone mobile: 0904070637 hoặc 0986838536
Email: lightsmok@gmail.com hoặc Yahoo Messenger: happidragon@yahoo.com