Thầy Phan Đức Chính sinh ngày 15/09/1936, tại Sài Gòn. Quê
Ông là làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, một làng cổ ven đê sông Hồng với nhiều
dòng họ nổi tiếng như: họ Phạm (làm quan), họ Hoàng (trí thức), họ Nguyễn
(nhà vua) và họ Phan. Cụ tổ của dòng họ Phan ở đây là Phan Phù Tiên gốc Hà
Tĩnh, ra lập cư tại đất này cách đây vào quãng 600 năm. Thân phụ của thày
Chính là cụ ông Phan Tiến Chác, cụ bà Vương Thị Nhã. Hai cụ có 8 người
con, 4 trai và 4 gái (thày Chính là con thứ hai). Cụ Chác là công chức cũ
(thời Pháp), có công nuôi dấu cán bộ Cách mạng tại Hà Nội trong thời kỳ tạm
chiếm.
Từ 1952-1954, ông Chính học trung học tại Albert Sarraut
(trường Pháp danh giá nhất thời đó), tốt nghiệp đại học Sư phạm Khoa học năm
1956 khi Ông tròn 20 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Ông là cán bộ giảng dạy Toán học
tại Đại học Sư phạm Khoa học. Năm 1956, Đại học Tổng hợp Hà nội được thành
lập (tách ra từ Đại học Sư phạm Khoa Học), Ông thuộc biên chế khoa Toán -
Lý, Đại học Tổng hợp Hà nội.
Năm 1961 ông Chính được nhà nước Việt Nam gửi sang Liên Xô
làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng G. E.
Shylov, bảo vệ luận án phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) Toán- Lý năm 1965 tại
đại học danh tiếng Lomonosov (Moskva). Năm đó Ông mới 29 tuổi.
Năm 1965 Ông trở lại Việt Nam, tiếp tục giảng dạy tại khoa
Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (trưởng khoa là thày Hoàng Tuỵ). Thời kỳ này là
giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu
nước. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải đi sơ tán tại Đại Từ (Bắc Thái).
Tất cả các lớp học lúc đó đều ở sát núi Tam Đảo, rất đơn sơ và tạm bợ,
thiếu thốn tất cả mọi phương tiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cùng về
công tác với Ông lúc đó còn có các thày: Nguyễn Trường, Trần Vinh Hiển,
Phan Văn Hạp, Nguyễn Hữu Ngự, Đào Huy Bích, Nguyễn Bá Hào, Hoàng Hữu Như,
Nguyễn Thừa Hợp, Phạm Ngọc Thao (về sau một vài năm). Đấy là lớp tiến sỹ đầu
tiên được đào tạo rất cơ bản từ đại học tổng hợp Lomonosov về nước phục vụ
sự nghiệp giáo dục trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Thày Chính được phân
về tổ Giải tích (tổ trưởng là thày Hoàng Hữu Đuờng (1936 – 1987)), giảng dạy
giải tích cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, và Ông (là một trong các
thầy đầu tiên) dạy đại số cho lớp Chuyên toán đầu tiên của Việt Nam. Trong
nhiều năm sau đó, Ông vẫn tiếp tục các công việc này một cách say sưa và
đạt được nhiều kết quả rực rỡ. Ngoài ra, Ông còn giảng dạy giải tích hàm và
nhiều chuyên đề khác như : Lý thuyết nhóm, Hàm suy rộng, Độ đo và tích phân.
Ông là người đầu tiên nghiên cứu độ đo, phiếm hàm tuyến tính
và toán tử tuyến tính đo được trong không gian tuyến tính vô số chiều. Các
kết quả chính của Ông đã được đưa vào sách chuyên khảo:
G. E. Shylov, Phan Duc Chinh
Measure, Integral, Derivative in Linear Spaces
Nauka, 1967 (tiếng Nga)
Cuốn sách chuyên khảo này (có lẽ là sách toán đầu tiên có tác
gỉa người Việt) đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp và được nhiều nhà toán
học trích dẫn.
Tôi và một số đồng nghiệp (là cán bộ trẻ của khoa Toán lúc
đó) đã được thày Chính giảng về: Lý thuyết phổ toán tử tuyến tính, Nửa nhóm
và quá trình Markov dưới tiếng máy bay Mỹ đang oanh tạc khu Gang thép Thái
Nguyên giữa trưa hè nóng bức, bên dòng suối của xóm Cầu Găng (Đại từ, Bắc
Thái). Ông giảng bài rất say sưa, rõ ràng, chính xác. Ông không có giọng nói
hùng biện, đôi khi còn nói lắp, nhưng mọi người đều hiểu Ông đang nói gì.
Dáng người Ông gày gày, hơi gù, cao chừng 1m61, nặng quãng 45kg, đeo kính
cận nhẹ. Người nghe bị cuốn hút bởi bài giảng của Ông vì tính khoa học, hiện
đại và đặc biệt là nhiều ý tưởng. Tôi nghĩ rằng thày Chính là nhà sư phạm
xuất sắc vì sau khi nghe bài giảng của Ông, người nghe cảm thấy có thể làm
thêm một điều gì đó.
Có thể nói, những điều tâm huyết về giải tích hàm Ông đã viết
trong cuốn sách của mình:
Giải tích hàm, tập I
Cơ sở Lý Thuyết
NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1974
Tôi cho rằng đây là cuốn Giải tích hàm đầu tiên và hay nhất
bằng tiếng Việt, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và được dùng làm tài
liệu giảng dạy và nghiên cứu cho hầu hết các trường đại học Việt Nam. Thế
nhưng, có lần (năm 1998) tôi đề nghị Ông tái bản sách này thì Ông bảo:
“theo mình thì cần phải viết lại, vì có nhiều kết qủa mới cần đưa vào, một
số kết quả trong sách đã lạc hậu”. Đúng là nhà sư phạm bậc thầy. Ông đăng
không nhiều, nhưng các kết quả của Ông được nhiều người biết đến. Sách của
Ông được cân nhắc, suy nghĩ kỹ rồi mới viết ra trong sáng và mạch lạc.
Trong nhiều năm dạy khối Phổ Thông Chuyên Toán, Ông đã đào
tạo được nhiều học sinh xuất sắc, đạt được các giải cao trong các kỳ thi
Toán Quốc tế. Một số học sinh cũ của Ông sau này đã trở thành những nhà
khoa học giỏi, những nhà quản lý tốt, trong số đó có các anh chị: Trần Văn
Nhung, Đào Trọng Thi, Hoàng Lê Minh, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Phan Vũ
Diễm Hằng, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Lê Hồng Vân…. Có thể nói, Ông là một trong
những thày có nhiều công sức nhất làm cho khối Phổ Thông Chuyên Toán
(ĐHQGHN) nổi tiếng khắp nơi và trở thành đơn vị Anh Hùng (thời kỳ đổi mới).
Ngày nay, tất cả các thày giáo trọng trách của khối như Nguyễn Vũ Lương,
Phạm Văn Hùng, Đỗ Thanh Sơn (là những học sinh cũ của thày Chính) luôn luôn
ngưỡng mộ, tôn kính và ghi nhận sự đóng góp to lớn của Ông. Đặc biệt, thày
Chính đã truyền lại cho họ nhiều kinh nghiệm quí báu để luỵện thi và dẫn dắt
đội tuyển học sinh toán Việt nam ra nước ngoài tham gia các kỳ Olympiad thế
giới.
Kết quả đáng chú ý nhất của Ông trong lĩnh vực giảng dạy
chuyên toán là cuốn sách:
Bất đẳng thức
NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973
Ông còn là dịch giả của nhiều cuốn sách về giải tích:
1. Natanson, Lý thuyết Hàm số biến số thực, 1962.
2. Dieudonné J., Cơ sở Giải tích Toán học, Tập I – V.
3. Robertson., Robertson., Khong gian vectơ tôpô.
4. Kurosh, Đại số cao cấp.
5. She-Tzen Hu, Cơ sở Giải tích toán học.
Và một số cuốn sách khác.
Tôi nghĩ rằng Ông Chính là người được đào tạo bài bản nhất về
Giải tích, tiếp thu được những tinh hoa của hai nền toán học kiểu mẫu: Nga
và Pháp. Tất nhiên, Ông rất thành thạo tiếng Pháp, biết tiếng Anh và tiếng
Nga khá tốt. Ngoại ngữ đã giúp Ông mở rộng tầm hiểu biết và có nhiều quan hệ
quốc tế tốt. Thật vậy, Ông thừa kế những kiến thức tinh hoa nhất của nền
giáo dục trung học nước Pháp, Ông đến Moskva và sống ở đấy trong những năm
60 của thế kỷ trước, thời kỳ này ở nước Nga nền Toán học đang phát triển và
thu được những kết quả rực rỡ. Sống và làm việc trong một môi trường khoa
học sôi động của thời kỳ Kolmogorov, Gelfand, Novikov, Arnold, Dynkin,
Gnedenko, Shyriaev … ông Chính phải học tập cật lực, nghiêm túc. Thời kỳ
đầu làm nghiên cứu sinh thày giáo hướng dẫn bắt Ông phải giải rất nhiều bài
tập. Ông tâm sự với tôi: “Lúc đầu mình rất khó chịu, có lẽ thày giáo hơi xem
thường mình nên chỉ bắt mình làm bài tập mà không giao ngay một đề tài
nghiên cứu cụ thể. Nhưng nhờ thế mà sau này mình nắm vững các kiến thức học
được và khi có đề tài mình đủ tự tin để giải quyết và phát triển”.
Thời kỳ ở khoa Toán, Ông tiếp xúc và làm việc với những giáo
sư có uy tín và uyên bác như: các giáo sư Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Hoàng
Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn, với nhiều cán bộ trẻ có trình độ
khao khát cái mới, với nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc, nên Ông phải làm
việc rất sáng tạo, đọc nhiều, viết nhiều và cái chính là Ông biết đào tạo
lại mình. Ông đã có dịp làm việc với một số nhà toán học hàng đầu thế giới
như: Laurent Schwartz, Grothendieck … nhờ thế Ông học hỏi được nhiều, khiêm
tốn và tinh đời hơn.
Về con người, Ông là nhà giáo nhân hậu, nhà sư phạm uyên
thâm, người bạn chân tình và dễ trao đổi. Ông có thói quen hút thuốc, uống
rượu, thích nghe và kể chuyện tiếu lâm. Tôi còn nhớ những năm sơ tán gian
khó ở Việt Bắc, chiều chiều Ông và ông Phạm Ngọc Thao thường đến thăm nhau,
đàm đạo với nhau nhiều chuyện về toán và thơ. Lúc đó ông Thao bị ngã nên khó
đi lại, thế mà vẫn liêu xiêu bước đi trên con đường ruộng đến thăm ông
Chính. Năm 1977 ông Đặng Đình Áng, ông Tôn Thất Long từ Sài Gòn đến thăm tôi
ở 34 Điện Biên Phủ, Hà Nội; ông Chính và tôi đã tiếp hai vị giáo sư này rất
chân tình và cởi mở. Ông Chính mang theo một phin pha cà phê đặc biệt (của
Hungary). Nhìn Ông hút thuốc và uống cà phê tôi thấy đẹp làm sao! Cả bốn
chúng tôi đều uống rượu Bắc Hà ngon tới mức ông Long phát khóc, ông Áng quên
đường vào nhà. Ông Chính và tôi thì say sưa kể những chuyện thời trai trẻ.
Một lúc sau thì anh Đặng Hùng Thắng tới, lấy làm ngạc nhiên vì thấy ông Áng
nằm trên giường ngủ say, ông Long đang khóc, Ông Chính và tôi đang nói cười
vui vẻ. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến giai thoại do ông Nguyễn Khắc Phúc
(1935 - 2005) kể, lúc chúng tôi làm nghiên cứu sinh ở Tbilisi. Chuyện rằng,
thời trẻ ông Chính và một nữ sinh (người Huế) có cảm tình với nhau. Trước
lúc lên đường đi Nga hai người có gặp nhau. Khi chia tay, nữ sinh này nói
với ông Chính rằng: “Em thương anh lắm”. Ông Chính lấy làm đau khổ, vì nghĩ
rằng cô ấy chỉ thương mình chứ không yêu mình. Một hôm, khi nhận được tin cô
bạn đã đi lấy chồng, ông Chính tâm sự chuyện trên với một người bạn (người
miền Nam) đang làm nghiên cứu sinh cùng thời Ông. Ông bạn này sau khi nghe
chuyện lấy làm tiếc và nói rằng: “Mày thật ngốc, con gái miền Nam nói
thương là yêu”!!!
Năm nay (2006) thày Chính đã tròn 70 xuân, vợ thày là bà Lê
Mỹ Hạc, có 2 con trai, 3 cháu nội, sống ở ven Hồ Tây thanh bình. Thày đã
yếu nhiều, nhưng rất minh mẫn, vẫn thích hút thuốc và uống rượu vang. Ngày
trước gia đình thày sống ở phố 10 Đỗ Hạnh, cạnh phố Vũ Lợi, nơi nhạc sĩ Văn
Cao (1923 - 1995) sống những năm gian khó nhất. Thày Chính kể rằng Ông vẫn
thường hay sang chơi, cùng uống rượu và nghe Văn Cao đàn (có lần nhạc sĩ Văn
Cao nhận xét, nhờ nói chuyện với ông Chính mà nhạc sĩ hiểu rằng các nhà toán
học không khô khan như nhiều người vẫn tưởng) . Đôi lúc tôi nhìn thày Chính
thấy có những nét hơi giống Văn Cao, cũng cái dáng gày gày, tóc hơi dài,
lưng hơi gù, thích uống rượu và yêu đời bằng Nhạc-Thơ-Toán, không tham chức
quyền, không hay xuất hiện truớc các phương tiện truyền thông, không phát
biểu đại ngôn. Ông là người thày mẫu mực của nhiều thế hệ, yêu nghề, yêu
nước, yêu trò, kính trọng thày và thế hệ đi trước, dễ gần gũi, có nhiều bạn.
Thày Chính được phong Phó Giáo Sư (năm 1980), danh hiệu Nhà Giáo ưu Tú (năm
1994), Huân Chương Lao Động hạng ba (năm 1999) và Huân Chương Lao Động hạng
hai (năm 2003).
Tổ Giải tích, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa
học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội rất tự hào là tổ ấm của nhiều nhà toán học giỏi,
của những người thày tâm huyết. Năm nay, kỷ niệm ngày thành lập trường Tổng
hợp lần thứ 50, chúng tôi những người thuộc thế hệ toán học thứ hai, luôn
ghi nhớ công lao của các thày, các anh thuộc thế hệ thứ nhất (trong đó có
thày Chính) và nghĩ rằng:
Thế hệ thứ nhất (giai đoạn 1947-1964) dạy cho chúng tôi hiểu
thế nào là Toán học (toán học là gì).
Thế hệ thứ hai (giai đoạn 1964-1975), trong đó có tôi, cố
gắng chứng tỏ biết làm toán (thế nào là bài toán mới và kết quả mới).
Thế hệ tiếp theo (giai đoạn 1975 -????) sẽ đặt ra được những
bài toán mới và thu được những kết qủa tầm cỡ quốc tế, và chắc sẽ có người
Việt đuợc giải thưởng Fields.
Nguyễn Duy Tiến
nduytien2006@yahoo.com
|